Nhận diện cơ hội đầu tư chứng khoán những tháng cuối năm 2021

Tổng giám đốc Passion Investment nhận định, cuối năm nay, VN-Index có thể đạt từ 1.600-1.700 điểm với điều kiện dịch COVID-19 được khống chế trong tháng 8-9/2021.
Nhận diện cơ hội đầu tư chứng khoán những tháng cuối năm 2021 ảnh 1(Nguồn: BNews)

Sáng 28/7, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021.”

Sự kiện nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng, sau chuỗi tăng điểm kéo dài, thị trường chứng khoán đang chịu những tác động nhất định của đợt dịch COVID-19.

Tính từ đầu tháng Bảy, thị trường có sự suy giảm nhất định về điểm số cũng như khối lượng giao dịch so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, các phân tích trong nước và quốc tế đều cho thấy, những biến động trong tháng 7/2021 của thị trường chỉ là ngắn hạn.

Về dài hạn, thị trường chứng khoán còn nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tại tọa đàm, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định, điều chỉnh của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn. Nhìn về dài hạn thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế đang trong chu kỳ đi lên, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo vị chuyên gia này, khi đầu tư ông thường nhìn vào dài hạn nhiều hơn là các biến động ngắn hạn. Trong khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn dự báo tăng trưởng từ nay đến năm 2022.

Theo ông Lã Giang Trung, có thể khẳng định trong tháng 7/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp giảm 13% là cơ bản tạo đáy và đang trong xu hướng đi lên.

“Tôi cho rằng cuối năm nay, VN-Index có thể đạt từ 1.600-1.700 điểm với điều kiện dịch COVID-19 được khống chế trong tháng 8-9/2021. Thậm chí, khả năng rất cao, VN-Index sẽ ở mức 1.600 điểm trong năm nay,” Tổng giám đốc Passion Investment nhận định.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital, việc thanh khoản từ đầu tháng Bảy đến nay giảm xuống là hợp lý. Nếu nhìn vào đoạn thị trường trong vài tháng qua có thể thấy, dù chỉ số sàn HOSE giảm từ 13-14% so với mức đỉnh, nhưng thị trường Việt Nam có sự trưởng thành vượt bậc.

Mức thanh khoản từ 25.000-30.000 tỷ đồng mỗi phiên là không thực tế và con số này tương đương từ 130-160% tổng giá trị vốn hóa của sàn HOSE.

Theo nghiên cứu của Dragon Capital, trong vòng 50 năm qua, thị trường thế giới cũng rất khó có mức thanh khoản tăng trưởng và ổn định này. Do đó, thanh khoản trên HOSE tại thị trường Việt Nam từ 15.000-17.000 tỷ đồng tương đương khoảng 80% giá trị vốn hóa là mức hợp lý.

"Do đó câu chuyện sụt giảm thanh khoản từ 25.000-30.000 tỷ đồng về từ 15.000-17.000 tỷ đồng tôi nghĩ là nên như vậy và giá trị giao dịch có thể duy trì ổn định tại vùng này,” ông Lê Anh Tuấn nhìn nhận.

[Thị trường chứng khoán tuần tới: Có thể chưa thoát khỏi xu hướng giảm]

Theo ông Tuấn, một khi đã tham gia thị trường, để kiếm lợi nhuận từ 30-50% thì phải chấp nhận thị trường giảm từ 5-10%. Nếu tin là tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 trong khoảng từ 20-25% thì vùng từ 1.200-1.250 điểm là vùng các nhà đầu tư cần quan tâm và có thể giải ngân để gom cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt.

Các diễn giả cho biết, hiện nay hệ thống giao dịch do Công ty cổ phần FPT cung cấp đã hoạt động trơn tru, khắc phục được hiện tượng nghẽn lệnh, tạo thuận lợi trong giao dịch.

Thời gian tới, việc áp dụng hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc (KRF) cung cấp, thay thế cho hệ thống hiện tại của FPT có thể giúp thị trường hoạt động thông suốt. Điều này còn giúp các cơ quan quản lý có cơ sở triển khai nhiều sản phẩm chứng khoán mới và qua đó tăng thanh khoản cho thị trường.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), từ đầu năm 2022, hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc (KRX) sẽ được vận hành.

Đây là cơ sở để triển khai giao dịch giao dịch chứng khoán ngay trong ngày cũng như giảm tỷ lệ ký quỹ khi đặt lệnh mua trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chia sẻ về nền tảng căn bản để triển khai những sản phẩm, nghiệp vụ mới cho giai đoạn tăng trưởng của thị trường.

Theo ông Sơn, ngoài khung pháp lý về mặt thể chế gồm Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, vấn đề quan trọng là nền tảng về hệ thống công nghệ; trong đó, có gói thầu công nghệ KRX mà HOSE đang triển khai.

Vấn đề liên quan đến công nghệ có hai nội dung liên quan đến sản phẩm của VSD cần chuẩn bị, dù khung pháp lý đã có từ khá lâu. Đó là hệ thống bù trừ đối tác trung tâm cho thị trường cơ sở (CCP), và triển khai các sản phẩm nghiệp vụ chứng khoán kèm theo như bán khống và giao dịch trong ngày.

Với CCP, nhà đầu tư sẽ không phải ký quỹ 100% tiền mặt trước khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ với tỷ lệ từ 10-20%.

Điều này giúp các nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn để ra quyết định mua bán trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Sơn, khi đưa vào vận hành hệ thống mới KRF, cần có giai đoạn kiểm tra hệ thống kỹ càng nhằm đảm bảo không có sự cố xảy ra khi chuyển từ hệ thống hiện tại của FPT sang hệ thống KRX.

Nếu hệ thống chưa đủ đáp ứng, VSD vẫn sẵn sàng làm việc với các nhà thầu trong nước sớm tích hợp và đáp ứng nhu cầu triển khai

VSD cũng xây dựng một số sản phẩm khác như quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo ra các định chế đầu tư có tổ chức, góp phần ổn định thị trường.

Đơn vị này cũng đang nghiên cứu cho phép một số tổ chức lưu ký nước ngoài có thể mở tài khoản với tư cách là thành viên của VSD. Từ đó, mở cửa cho các quỹ châu Âu vào thị trường Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục