Nhận diện các loài ngoại lai xâm hại gây mất cân bằng sinh thái

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành thông tư quy định tiêu chí xác định và danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại cùng 61 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại có hiệu lực từ ngày 11/2/2019.
Nhận diện các loài ngoại lai xâm hại gây mất cân bằng sinh thái ảnh 1Rùa tai đỏ là 1 tróng số 19 loài ngoại lai xâm hại cần ngăn chặn. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại.

Đây là các loài đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam. Các loài này được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là xâm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam.

19 loài ngoại lai xâm hại thuộc 6 nhóm, bao gồm: Nhóm vi sinh vật (nấm gây bệnh thối rễ, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật, vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối, vi-rút gây bệnh cúm gia cầm; Nhóm động vật không xương sống (bọ cánh cứng hại lá dừa; ốc bươu vàng; ốc sên châu Phi; tôm càng đỏ.)

[‘Nhà giá rẻ’ hiu hắt, căn hộ cao cấp áp đảo thị trường về nguồn cung]

Nhóm cá ngoại lai xâm hại gồm cá ăn muỗi, cá tỳ bà bé (cá dọn bể), cá tỳ bà lớn (cá dọn bể lớn). Nhóm lưỡng cư, bò sát là rùa tai đỏ. Nhóm chim, thú gồm hải ly Nam Mỹ. Nhóm thực vật gồm bèo tây (bèo Lục bình, bèo Nhật Bản), cây ngũ sắc (bông ổi), cỏ lào, cúc liên chi, trinh nữ móc, trinh nữ thân gỗ (mai dương).

Ngoài ra, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành cũng quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục 61 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại là loài đáp ứng một trong các tiêu chí: Có khả năng phát triển và lan rộng nhanh, có biểu hiện cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và có khả năng gây hại đến các loài sinh vật bản địa; được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học Việt Nam.

Nhận diện các loài ngoại lai xâm hại gây mất cân bằng sinh thái ảnh 2Rùa tai đỏ. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài thuộc 5 nhóm. Trong đó, 23 loài thuộc nhóm động vật không xương sống như: bướm trắng Mỹ, cua xanh, sán ốc sên; 9 loài thuộc nhóm cá như cá chim trắng toàn thân, cá hổ, cá hồi nâu; 4 loài thuộc nhóm lưỡng cư, bò sát (ếch ương beo, cóc mía, ếch Caribê, rắn nâu leo cây).

Riêng nhóm chim, thú có 5 loài là chồn ecmin, dê hircus (dê), sóc nâu-sóc xám, thú opốt. Nhóm cuối cùng là nhóm thực vật có 21 loài như bèo tai chuột lớn, cây cúc leo, cây cứt lợn, cây hoa tulip châu Phi, cây chân châu tía, cây cúc bò, cây đương Prosopis, cây kim tước, cây lược vàng, cây keo giậu…

Thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại và danh mục 61 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại có hiệu lực từ ngày 11/2/2019.

[Thả hai cá thể chim bồ nông chân hồng quý hiếm về môi trường tự nhiên]

Theo các chuyên gia môi trường, để ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây lan, giảm thiểu tác hại của một số loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam, trước hết, cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Đồng thời, cần nâng cao tuyên truyền, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt với các nước trong khu vực ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục