Nhận dạng các nhân tố gây "bão" kinh tế toàn cầu

Nhân tố gây ra khủng hoảng kinh tế gồm một số nước lớn chạy đua tăng trưởng kinh tế nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt.
Trong số ra mới nhất của Tạp chí Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc khu vực Mỹ Latin và Caribe (ECLAC/CEPAL Review) tháng 12/2010, các nhà kinh tế Mỹ Latin đã phân tích và nhận dạng các nhân tố dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Giáo sư Ramón López của Đại học Maryland (Mỹ) nhấn mạnh ba nhân tố cơ cấu đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 gồm: một số nước lớn chạy đua tăng trưởng kinh tế nhanh; các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường ngày càng cạn kiệt; sự tập trung bất thường nguồn của cải và thu nhập ở các nền kinh tế phát triển trong hai thập kỷ qua.

Vì vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ngày càng gắn bó chặt chẽ về nhu cầu hàng hóa, nền kinh tế thế giới không những có thể trở nên rất dễ tổn thương trước khủng hoảng mà còn tiếp tục tác động bất lợi đến quá trình phục hồi sau khủng hoảng.

Về khu vực Mỹ Latin và Caribe, giáo sư Ricardo French-Davis của Đại học Chile cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô là một trong những khâu yếu nhất quyết định hiệu quả kinh tế xã hội không cao trong các thập kỷ gần đây.

Nhân tố gây bất ổn định kinh tế vĩ mô là dòng vốn tài chính giảm khi kinh tế tăng trưởng. Ông nhấn mạnh trong môi trường có lợi cho phát triển kinh tế, cần điều chỉnh tác động nghịch chiều của dòng vốn để đảm bảo khi kinh tế có xu hướng giảm thì dòng vốn phải tăng lên. Một sự điều chỉnh như vậy cần kết hợp với những cải tổ sâu rộng thị trường vốn.

Trong khi đó, giáo sư Adolfo Figueroa của Đại học Peru lưu ý sức mạnh của giáo dục như là động lực nâng cao thu nhập và giáo dục có thể góp phần tái phân phối lại thu nhập trong xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng những nỗ lực trong các thập kỷ gần đây về mở rộng hệ thống giáo dục đã không phát huy được ưu thế này của giáo dục để tái phân phối lại thu nhập xã hội công bằng hơn.

Tạp chí ECLAC/CEPAL, ra số đầu tiên năm 1976, là diễn đàn học thuật để thảo luận các ý tưởng mới đồng thời phổ biến các nghiên cứu của các học giả về đường lối, chiến lược và đề nghị chính sách góp phần phát triển các nước Mỹ Latin và Caribe trên cơ sở bình đẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục