Theo dự báo của các nhà phân tích, những đồng tiền châu Á, trong năm 2025, sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng và các cảnh báo thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Đồng thời, chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải của Trung Quốc có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất, gây thêm áp lực giảm giá cho đồng nhân dân tệ.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind, vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã chạm mức 7,3698 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đây là mức tỷ giá thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Theo Wind, tại thị trường trong nước, đồng nhân dân tệ vẫn tương đối ổn định, “mức cản” 7,3 nhân dân tệ/USD đã được thử thách nhiều lần trong tháng 12/2024 nhưng vẫn không bị phá vỡ.
Sáng 2/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã ấn định tỷ giá trung gian (còn được gọi là tỷ giá cố định) ở mức 7,1879 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức mạnh nhất trong tuần này.
Cùng thời điểm, tại thị trường nước ngoài, đồng nhân dân tệ được giao dịch ở mức khoảng 7,322 nhân dân tệ đổi 1 USD vào chiều 2/1.
Đồng nhân dân tệ không phải là đồng tiền duy nhất chịu áp lực, vì các đồng tiền châu Á khác cũng bị ảnh hưởng do đồng USD mạnh lên.
Kỳ vọng về một đồng USD mạnh được tăng cường sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo ý định sẽ làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025 và các chính sách thương mại sắp tới của ông Trump có thể làm gia tăng sự bất ổn sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.
Đồng yen Nhật đã giảm xuống dưới mức 158 yen/USD vào gần cuối năm 2024, trong khi một số đồng tiền Đông Nam Á cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tương tự, đồng won Hàn Quốc đã giảm xuống còn hơn 1.480 won/USD, ghi nhận ngưỡng tỷ giá yếu nhất trong 15 năm, giữa bối cảnh bất ổn chính trị trong nước gia tăng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, Raymond Yeung, làn sóng giảm giá gần đây của các loại tiền tệ châu Á là do những dự báo "đáng ngạc nhiên" đối với chính sách tiền tệ của Fed. Ông nhận định: "Trong những tháng tới, các đồng tiền châu Á dự kiến sẽ chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.”
Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải của Trung Quốc có thể làm gia tăng thêm chênh lệch lãi suất, gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ.
Mặc dù Trung Quốc có thể chấp nhận việc đồng nhân dân tệ giảm giá có thể kiểm soát được để bù đắp cho những tác động tiềm tàng của thuế quan của Mỹ, nhưng nước này dự kiến sẽ vẫn cam kết duy trì sự ổn định về tài chính và tỷ giá hối đoái trong khi không cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá quá mức.
Trong một báo cáo vào tháng 12/2024, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC cũng cho rằng PBoC sẽ kiểm soát tốc độ và mức độ giảm giá đồng nhân dân tệ để ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng tiền này và tránh những cáo buộc thao túng tiền tệ.
Một báo cáo phát hành tháng 11/2024 của ngân hàng Goldman Sachs lưu ý rằng thuế quan và mối nguy về các khoản thuế bổ sung có khả năng kéo dài sức mạnh của đồng USD, với tỷ giá hối đoái USD/nhân dân tệ được dự báo sẽ tăng cao hơn vào đầu năm 2025 trong khi các loại tiền tệ châu Á khác biến động theo chiều hướng đồng thuận, đặc biệt là trong số những nước xuất khẩu có lợi suất thấp.
Báo cáo lưu ý: "Tuy nhiên, sự kết hợp giữa định giá USD cao, yêu cầu vay vốn lớn của chính phủ, và động thái hướng tới lãi suất trung lập ở Mỹ có thể hạn chế quy mô của những động thái này."
Báo cáo cho biết thêm rằng việc các ngân hàng trung ương "mạnh tay" hơn đối với việc đồng tiền giảm giá thêm, đặc biệt là ở khu vực Bắc Á, có thể cho phép các loại tiền tệ trong khu vực phục hồi phần nào trong những năm tới./.
Sự chuyển hướng chính sách tiền tệ của Trung Quốc
Chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" sẽ góp phần thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc, đồng thời tạo ra cơ hội cho các đối tác kinh tế khác.