Ngày 4/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 (khóa VIII).
Hội nghị nhằm cho ý kiến vào Báo cáo tình hình nhân dân và đất nước quý 3; góp ý vào dự thảo hai Nghị quyết liên tịch hướng dẫn thực hiện Điều 16, Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và sửa đổi Quy chế vận động, quản lý, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo."
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân cho thấy trong quý 3, đại bộ phận nhân dân trong cả nước yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, nợ công ở mức cao, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm và năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.
Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, một số sản phẩm nông nghiệp giá thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm còn diễn ra gay gắt.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
Thời tiết diễn biến bất thường, bão, mưa lớn gây ngập úng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế và các tỉnh miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Những ý kiến, kiến nghị cụ thể của nhân dân tập trung vào 7 vấn đề: Phát triển sản xuất kinh doanh; việc thực hiện các chính sách xã hội; giáo dục-đào tạo; y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông; việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Góp ý kiến về quản lý tài nguyên môi trường, phó giáo sư, tiến sỹ Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học nêu rõ sự cố cá chết ở miền Trung và gần đây nhất là ở Hồ Tây là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy vực biển và nước ngọt ở Việt Nam.
Theo phó giáo sư Vỗ Sỹ Tuấn, với sự cố cá chết ở miền Trung, ngoài chất thải độc do Formosa gây ra, xu thế suy thoái môi trường của Việt Nam cũng đang rất nghiêm trọng... Nếu không có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, hậu quả là vô cùng lớn.
Phó giáo sư Võ Sỹ Tuấn lập luận môi trường đang sống bị ô nhiễm tất cả đều do con người. Ngoài các doanh nghiệp, mỗi người dân cũng có một phần trách nhiệm. Từ thực tế hiện nay, cần có cơ chế xử lý nghiêm đối với bất cứ ai có hành vi gây ô nhiễm môi trường, từ doanh nghiệp, tổ chức đến người dân.
Với quan điểm tham nhũng, lãng phí là vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của nhân dân, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng sửa Luật phòng chống tham nhũng theo hướng có cơ chế chính sách để các đối tượng không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.
Theo ông Thường, cùng với đó, giải pháp kê khai tài sản cần phải thay đổi, phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức; có cơ chế kiểm soát thu nhập, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, như: thuế, hải quan... Như vậy mới có thể phòng, chống tham nhũng.
Cũng tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các đại biểu đã góp ý vào dự thảo hai Nghị quyết liên tịch hướng dẫn thực hiện Điều 16, Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và sửa đổi Quy chế vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo.”
Đây là các dự thảo quan trọng, nhằm hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoạt động giám sát, phản biện xã hội và hoạt động của Mặt trận trong phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thể hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác tôn giáo, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.