Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán cũng như chuẩn bị ký kết đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp, song cũng là khởi đầu của nhiều thách thức mới, trong đó có vấn đề tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa.
Chính vì vậy, việc đăng ký dán nhãn chỉ dẫn địa lý (GI) không chỉ là cách thức bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng mà thông qua đó sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam tiến xa hơn tới các thị trường lớn.
Đó là ý kiến của bà Delphine Marie-Vivien, tiến sỹ luật thuộc tổ chức Cirad (Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển - tổ chức của Pháp), UMR Innovation, Malica, tại Hội thảo: "Chỉ dẫn địa lý" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/5, tại Hà Nội.
Giải thích rõ hơn về lợi ích khi đăng ký chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, bà Delphine Marie-Vivien cho rằng, ngoài các lợi ích về du lịch, bảo vệ môi trường, truyền thống văn hóa thì việc tham gia GI sẽ có lợi cho nhà sản xuất. Cụ thể là tên quốc gia được bảo lưu cùng sản phẩm đặc trưng, qua đó giúp mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc dán nhán GI còn là lợi ích cho người tiêu dùng bởi sản phẩm được bảo đảm về xuất xứ, chất lượng và tính chân thực do không có sự bắt chước.
Việt Nam đã có nhiều bài học từ việc tranh chấp nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Gần đây nhất là việc tranh chấp thương hiệu cà phê Trung Nguyên với một sản phẩm có tên tương tự tại Trung Quốc.
Việc giải quyết tranh chấp cũng phái mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể lấy lại tên và thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Do vậy, theo bà Delphine Marie-Vivien, việc đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại châu Âu là một việc làm cần thiết, giúp doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ động hơn trong việc đưa ra đề xuất bảo hộ đối với các sản phẩm của mình, cũng như không tốn nhiều công sức trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Đến nay, đã có 14 nhãn hiệu nông sản ngoài khu vực EU được chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU, trong đó, thương hiệu "Nước mắm Phú Quốc" của Việt Nam mới đây đã được cấp đăng ký bảo hộ tại thị trường này. Nhờ đó, giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng lên rất nhiều qua đó cũng khẳng định thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” trên thị trường thế giới.
"Nếu được dán nhãn chỉ dẫn địa lý của EU thì sản phẩm có thể được bảo hộ chống bất kỳ hình thức làm giả và tên gọi đồng âm," bà Delphine Marie-Vivien nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trung Thực, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA cho biết, để mở cửa thị trường hàng hóa, bên cạnh việc đàm phán cắt giảm và loại bỏ thuế quan, thì việc đàm phán về sở hữu trí tuệ, đóng vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện cho hàng nông sản và thủy sản Việt Nam xuất khẩu mạnh hơn sang thị trường các nước EFTA nói riêng và các nước châu Âu nói chung.
"Các quy chuẩn và tiêu chuẩn về hàng hóa tại EU rất cao, nếu đảm bảo các yêu cầu này thì hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiến ra thế giới," ông Thực nhấn mạnh.
Khối Thương mại tự do (EFTA) gồm 4 nước là Thụy Sỹ, Na Uy, Ireland và Licktenstein. Đến thời điểm này, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với với khối EFTA đã trải qua bảy phiên đàm phán.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc ký kết hiệp định này sẽ là công cụ bổ trợ đắc lực cho FTA giữa Việt Nam-EU. Bên cạnh đó, nó cũng có tác dụng củng cố cơ sở pháp lý cho hợp tác kinh tế cũng như tạo cơ chế tiếp cận thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu.
Đáng chú ý, mức thuế hiện nay đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EFTA đang ở mức tương đối cao, thuế suất tính theo giá trị trung bình gần 19%. Tuy nhiên, khi ký kết FTA, Việt Nam có thể gia tăng đáng kể xuất khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thực phẩm sang thị trường EFTA nhờ dòng thuế của nhóm hàng này trong nội khối các nước trên đã giảm về mức 0%./.