Phố xá ngổn ngang. Bầu trời đỏ rực. Tiếng hò reo khi thấy máy bay địch bốc cháy xen lẫn với tiếng khóc ri rỉ của những đứa con mất cha, những người vợ mất chồng sau những trận bom,…
Từng ấy hình ảnh về Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử 1972 chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người trong cuộc. Nhạc sỹ Phạm Tuyên của ngày ấy, giờ đã là ông cụ ở ngưỡng tám mươi mùa xuân nhưng vẫn nhớ như in những hình ảnh của Hà Nội một thời đạn bom.
Bốn mươi năm sau, trong không gian bình dị của một ngày đông, nhạc sỹ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại khung cảnh thủ đô những ngày đêm cuối năm 1972; chậm rãi ôn lại thời khắc viết nên bản hùng ca chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.”
Niềm hạnh phúc, tự hào và sự xót xa đan xen trong những câu chuyện, hồi ức.
Tình người trong lửa đạn
Bên khung cửa sổ, người nhạc sỹ già không giấu được niềm xúc động nghẹn ngào, dõi đôi mắt nhòa lệ như đau đáu tìm về quá khứ, khắc khoải hồi tưởng lại “Hà Nội những đêm không ngủ.” Từng dòng ký ức hiện về như thước phim quay chậm.
“Hồi ấy, Mỹ tuyên bố sẽ đưa miền Bắc của chúng ta về lại thời kỳ đồ đá. Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành. Những con phố ngày thường vốn đông đúc, trong một lúc, trở nên hoang vắng lạ thường,” nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.
Ngày đó, nhạc sỹ Phạm Tuyên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách biên tập âm nhạc. Giọng run run, nhạc sỹ kể: “Ngày 19/12, chúng ném bom Mễ Trì, nơi đặt trạm phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy. Sau đó, chúng tôi phải chuyển về 58 Quán Sứ.”
Những ụ pháo dã chiến, công sự cá nhân nhanh chóng mọc lên, biến cả Thủ đô thành một mâm pháo lớn.
Triền miên trong câu chuyện, người nhạc sỹ già nhớ lại cái ngày vệt bom đi trúng căn nhà của mình: “Đó là ngày 22/12/1972, Mỹ ném bom ác liệt. Nhà tôi ở Đại La cũng bị trúng bom. Chiếc đàn dương cầm bị vỡ một mảng lớn, bàn phím xộc xệch. Tủ sách, giường ngủ sập gẫy, những cuốn sách, bản nhạc cháy xém trong ngôi nhà không mái. Một cảnh tượng đổ vỡ, ngổn ngang. Chống chếnh. Tôi có cảm giác như đã mất tất cả!”
Thế nhưng, khi cố đạp xe từ Quán Sứ về để tìm kiếm những gì còn sót lại, “lòng tôi lại trào dâng một cảm giác rất lạ: vừa đau thương, xót xa nhưng lại cũng rất đỗi tự hào. Tôi không còn nghĩ đến những mất mát riêng tư,” ông kể.
Ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, khu Bệnh viện Bạch Mai,… hoang tàn dưới sức tàn phá của bom đạn, có những căn nhà bị đánh sập, chỉ còn lại một góc tường. Thế nhưng, ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân, người nhà không hề chen lấn xô đẩy mà vẫn bình tĩnh, kiên trì xếp hàng theo thứ tự.
Phố Khâm Thiên, các gia đình đi sơ tán nhưng không nhà nào khóa cửa. Vậy mà không hề có nạn trộm cắp, hôi của. Lúc bom đạn thì khẩn trương xuống hầm. Khi còi báo yên thì đường phố lại đông đúc trở lại, mọi người đi lại làm việc.
“Xung quanh mình là bao cảnh thương tâm. Nhưng, tôi thấy lòng ấm lại khi chứng kiến cảnh bà con giúp nhau lượm đồ dùng còn sót lại sau trận bom, từng đội dân phòng khẩn trương đưa những người bị thương đi chữa chạy…,” đôi mắt ánh lên niềm tự hào, giọng xúc động, nhạc sỹ Phạm Tuyên hồi tưởng lại.
Mải miết đạp xe qua phố Bà Triệu, những lúc không có còi báo động, tiếng hát vẫn rộn rã vang lên. “Tôi đã bắt gặp những đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ, nhưng mọi người vẫn cùng nhau thu dọn đống đổ nát. Nỗi đau không còn là của riêng ai! Mọi người như xích lại gần nhau hơn để cùng vượt qua những mất mát, đau thương,” giọng ông trầm lắng.
Ca khúc “Hà Nội những đêm không ngủ” đã ra đời ngay sau đó. “Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca. Hà Nội anh hùng thủ đô của chúng ta,…” người nhạc sỹ đắm chìm trong ca từ như đang sống lại những tháng ngày hào hùng ấy.
Vang mãi bản hùng ca
Say sưa với dòng hồi ức, người nghệ sỹ kể: Giáp ngày lễ Noel, 24/12, nghe thông tin người Mỹ ngừng ném bom để tổ chức kỷ niệm nên bà con kéo về nhà khá đông. Bất ngờ, ngày 26/12 năm đó, Hà Nội rung chuyển trong tiếng máy bay và đạn bom.
Máy bay quần đảo khắp bầu trời. Cả con phố Khâm Thiên rừng rực cháy. Không khí tang thương bao trùm cả một dãy phố dài vốn tấp nập trước đây.
“Sáng 27, trong cuộc họp giao ban, đồng chí Trần Lâm khẳng định quyết tâm chống chiến tranh phá hoại của địch: ‘Chúng ta sẽ dành cho địch một Điện Biên Phủ trên không.’ Tôi chưa bao giờ quên giờ khắc ấy,” nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.
Ông kể, từ lúc đó, những chữ “Điện Biên Phủ” luôn thường trực trong tâm thức, thôi thúc mình phải làm một điều gì đó. Rồi, “cả đêm hôm đó, dưới căn hầm 58 Quán Sứ, tôi hý hoáy viết ca khúc ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Viết bằng tất cả niềm tin, sự tự hào,” tay đặt lên ngực, người nghệ sỹ xúc động kể.
“Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?... Phất cao ngọn cờ sao chính nghĩa…. Một Điện Biên sáng chói!” Nhạc sỹ Phạm Tuyên nói, ông muốn truyền tải ý chí kiên cường, mạnh mẽ của người Hà Nội chống quân thù.
Sáng hôm sau, “anh Trần Lâm nghe tôi hát thử và bảo: ‘Sự quyết liệt này đúng là của Điện Biên Phủ trên không.’ Bài hát lập tức được đăng tải trên báo Nhân dân số ra ngày 29/12/1972 và vang ngân trong chương trình phát thanh Tiếng hát về miền Nam tối hôm đó,” đôi mắt người nhạc sỹ sáng lên niềm tự hào.
Ông tâm sự, có một điều đặc biệt, khi ca khúc vừa vang lên đêm 29 thì ngày 30, Mỹ xuống thang ném bom. “Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Sau này, tôi có nghe nhạc sỹ, nhà báo Thụy Kha kể lại, anh em ở Quảng Trị đã khóc vì sung sướng, xúc động khi nghe bài hát này,” nhạc sỹ chia sẻ.
40 năm lửa và hoa đã qua, âm điệu mạnh mẽ ấy vẫn vang lên thật linh thiêng, gợi nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy của dân tộc. Một Hà Nội kiên cường giữa mưa bom, bão đạn./.
Từng ấy hình ảnh về Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử 1972 chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người trong cuộc. Nhạc sỹ Phạm Tuyên của ngày ấy, giờ đã là ông cụ ở ngưỡng tám mươi mùa xuân nhưng vẫn nhớ như in những hình ảnh của Hà Nội một thời đạn bom.
Bốn mươi năm sau, trong không gian bình dị của một ngày đông, nhạc sỹ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại khung cảnh thủ đô những ngày đêm cuối năm 1972; chậm rãi ôn lại thời khắc viết nên bản hùng ca chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.”
Niềm hạnh phúc, tự hào và sự xót xa đan xen trong những câu chuyện, hồi ức.
Tình người trong lửa đạn
Bên khung cửa sổ, người nhạc sỹ già không giấu được niềm xúc động nghẹn ngào, dõi đôi mắt nhòa lệ như đau đáu tìm về quá khứ, khắc khoải hồi tưởng lại “Hà Nội những đêm không ngủ.” Từng dòng ký ức hiện về như thước phim quay chậm.
“Hồi ấy, Mỹ tuyên bố sẽ đưa miền Bắc của chúng ta về lại thời kỳ đồ đá. Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành. Những con phố ngày thường vốn đông đúc, trong một lúc, trở nên hoang vắng lạ thường,” nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.
Ngày đó, nhạc sỹ Phạm Tuyên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách biên tập âm nhạc. Giọng run run, nhạc sỹ kể: “Ngày 19/12, chúng ném bom Mễ Trì, nơi đặt trạm phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy. Sau đó, chúng tôi phải chuyển về 58 Quán Sứ.”
Những ụ pháo dã chiến, công sự cá nhân nhanh chóng mọc lên, biến cả Thủ đô thành một mâm pháo lớn.
Triền miên trong câu chuyện, người nhạc sỹ già nhớ lại cái ngày vệt bom đi trúng căn nhà của mình: “Đó là ngày 22/12/1972, Mỹ ném bom ác liệt. Nhà tôi ở Đại La cũng bị trúng bom. Chiếc đàn dương cầm bị vỡ một mảng lớn, bàn phím xộc xệch. Tủ sách, giường ngủ sập gẫy, những cuốn sách, bản nhạc cháy xém trong ngôi nhà không mái. Một cảnh tượng đổ vỡ, ngổn ngang. Chống chếnh. Tôi có cảm giác như đã mất tất cả!”
Thế nhưng, khi cố đạp xe từ Quán Sứ về để tìm kiếm những gì còn sót lại, “lòng tôi lại trào dâng một cảm giác rất lạ: vừa đau thương, xót xa nhưng lại cũng rất đỗi tự hào. Tôi không còn nghĩ đến những mất mát riêng tư,” ông kể.
Ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, khu Bệnh viện Bạch Mai,… hoang tàn dưới sức tàn phá của bom đạn, có những căn nhà bị đánh sập, chỉ còn lại một góc tường. Thế nhưng, ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân, người nhà không hề chen lấn xô đẩy mà vẫn bình tĩnh, kiên trì xếp hàng theo thứ tự.
Phố Khâm Thiên, các gia đình đi sơ tán nhưng không nhà nào khóa cửa. Vậy mà không hề có nạn trộm cắp, hôi của. Lúc bom đạn thì khẩn trương xuống hầm. Khi còi báo yên thì đường phố lại đông đúc trở lại, mọi người đi lại làm việc.
“Xung quanh mình là bao cảnh thương tâm. Nhưng, tôi thấy lòng ấm lại khi chứng kiến cảnh bà con giúp nhau lượm đồ dùng còn sót lại sau trận bom, từng đội dân phòng khẩn trương đưa những người bị thương đi chữa chạy…,” đôi mắt ánh lên niềm tự hào, giọng xúc động, nhạc sỹ Phạm Tuyên hồi tưởng lại.
Mải miết đạp xe qua phố Bà Triệu, những lúc không có còi báo động, tiếng hát vẫn rộn rã vang lên. “Tôi đã bắt gặp những đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ, nhưng mọi người vẫn cùng nhau thu dọn đống đổ nát. Nỗi đau không còn là của riêng ai! Mọi người như xích lại gần nhau hơn để cùng vượt qua những mất mát, đau thương,” giọng ông trầm lắng.
Ca khúc “Hà Nội những đêm không ngủ” đã ra đời ngay sau đó. “Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca. Hà Nội anh hùng thủ đô của chúng ta,…” người nhạc sỹ đắm chìm trong ca từ như đang sống lại những tháng ngày hào hùng ấy.
Vang mãi bản hùng ca
Say sưa với dòng hồi ức, người nghệ sỹ kể: Giáp ngày lễ Noel, 24/12, nghe thông tin người Mỹ ngừng ném bom để tổ chức kỷ niệm nên bà con kéo về nhà khá đông. Bất ngờ, ngày 26/12 năm đó, Hà Nội rung chuyển trong tiếng máy bay và đạn bom.
Máy bay quần đảo khắp bầu trời. Cả con phố Khâm Thiên rừng rực cháy. Không khí tang thương bao trùm cả một dãy phố dài vốn tấp nập trước đây.
“Sáng 27, trong cuộc họp giao ban, đồng chí Trần Lâm khẳng định quyết tâm chống chiến tranh phá hoại của địch: ‘Chúng ta sẽ dành cho địch một Điện Biên Phủ trên không.’ Tôi chưa bao giờ quên giờ khắc ấy,” nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.
Ông kể, từ lúc đó, những chữ “Điện Biên Phủ” luôn thường trực trong tâm thức, thôi thúc mình phải làm một điều gì đó. Rồi, “cả đêm hôm đó, dưới căn hầm 58 Quán Sứ, tôi hý hoáy viết ca khúc ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Viết bằng tất cả niềm tin, sự tự hào,” tay đặt lên ngực, người nghệ sỹ xúc động kể.
“Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?... Phất cao ngọn cờ sao chính nghĩa…. Một Điện Biên sáng chói!” Nhạc sỹ Phạm Tuyên nói, ông muốn truyền tải ý chí kiên cường, mạnh mẽ của người Hà Nội chống quân thù.
Sáng hôm sau, “anh Trần Lâm nghe tôi hát thử và bảo: ‘Sự quyết liệt này đúng là của Điện Biên Phủ trên không.’ Bài hát lập tức được đăng tải trên báo Nhân dân số ra ngày 29/12/1972 và vang ngân trong chương trình phát thanh Tiếng hát về miền Nam tối hôm đó,” đôi mắt người nhạc sỹ sáng lên niềm tự hào.
Ông tâm sự, có một điều đặc biệt, khi ca khúc vừa vang lên đêm 29 thì ngày 30, Mỹ xuống thang ném bom. “Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Sau này, tôi có nghe nhạc sỹ, nhà báo Thụy Kha kể lại, anh em ở Quảng Trị đã khóc vì sung sướng, xúc động khi nghe bài hát này,” nhạc sỹ chia sẻ.
40 năm lửa và hoa đã qua, âm điệu mạnh mẽ ấy vẫn vang lên thật linh thiêng, gợi nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy của dân tộc. Một Hà Nội kiên cường giữa mưa bom, bão đạn./.
Phương Mai (Vietnam+)