Nhạc sỹ Dương Cầm: Tùng Dương vẫn là 'ca' khó đoán

Khó đoán nhất vẫn là Tùng Dương. Mọi người vẫn quen một Tùng Dương dị, gai góc. Trong đêm “Son” (13/10) tôi sẽ đặt Tùng Dương trong mùa Đông lạnh buốt, mang đến những run rẩy cho gần bốn nghìn phụ nữ.
Tùng Dương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 ["Trời và Đất": Pha của Tùng Dương sau hơn thập kỷ âm nhạc]

Hẹn gặp Dương Cầm trong thời gian này khó hơn tìm… vàng. Không phải Dương Cầm chảnh, hay cố tình tránh mặt báo chí. Từ 2-3 năm nay Dương Cầm và ban nhạc của anh luôn được các ca sỹ hàng đầu như Tùng Dương, Bằng Kiều, Quang Dũng… “chọn mặt gửi vàng” đánh trong các đêm nhạc quan trọng ở Hà Nội. Những ngày này, Dương Cầm đang phải “phân thân” khi vừa “cầm trịch” cho giải Sao Mai vừa làm giám đốc âm nhạc cho đại nhạc hội “Son” vào tối 13/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Phụ nữ đâu có dễ chiều!

- Chào Dương Cầm! Giải “Sao mai” vừa qua, đại nhạc hội “Son” đã sầm sập đến rồi. Đảm trách đạo diễn âm nhạc một bên là cuộc thi âm nhạc toàn quốc, một bên cũng là đêm nhạc tri ân nửa thế giới vào tốp quy mô nhất ở Hà Nội dịp 20/10. Phân thân như thế, làm sao toàn tâm toàn ý cho từng chương trình?

Dương Cầm: Cố gắng 200% thôi (cười). Đúng là thời điểm này tôi và ban nhạc đang căng như dây đàn. Áp lực nhiều nhưng cũng máu "chiến" lắm vì chẳng dễ gì được tin tưởng giao cho những chương trình lớn. Tôi xem đây là dấu son khẳng định uy tín của mình và ban nhạc. Là người làm nhạc chuyên nghiệp, nên dù phải phân thân nhưng tôi vẫn dành trọn tâm huyết cho từng chương trình. Trước “Son” tôi và ban nhạc miệt mài cả tháng dưới Thanh Hóa để làm Sao Mai. Rất may là, khi cuộc thi kết thúc khoảng một tuần thì nhập cuộc luôn vào đêm “Son.”

- Có nghĩa, “Son” chỉ có một tuần chuẩn bị?

Dương Cầm: Nếu chỉ có một tuần thì mười Dương Cầm cũng không đủ "cân" đại nhạc hội tri ân gần 4 nghìn chị em phụ nữ trong một đêm (cười). Hai chương trình gối nhau thôi, bản thân tôi và ê kíp có ba tháng để lên ý tưởng và đặt để, hòa âm cho “Son.”

- Lý do anh nhận lời làm đạo diễn âm nhạc của “Son,” có phải các đêm nhạc tri ân thì thường dễ chiều khách hơn?

Dương Cầm (trái) và nhân tố lạ Hoàng Rob. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dương Cầm: Ai bảo phụ nữ dễ chiều! Chiều được phụ nữ tưởng dễ mà lại rất khó đấy nhé! Lý do Dương Cầm nhận lời “Son” chính là bài toán từ phía nhà tổ chức đưa ra rất khó nhằn. Concept của “Son” đưa ra là mời nam nghệ sỹ nam hàng đầu hóa thân thành 4 mùa để “chiều” gần 4 nghìn phụ nữ. Khó thì tôi mới muốn giải cho bằng được. Khó mới đủ thách thức. Đó làm sao để mỗi khán giả nữ đêm đó thấy mình là trung tâm, được yêu nhất, nâng niu nhất từ không gian, đến câu chuyện âm nhạc, không khí, và nghệ sỹ biểu diễn.

- Qua quan sát thấy rằng việc mời các nghệ sỹ đứng chung trong các đêm nhạc gần đây ở Hà Nội thường mang chủ ý theo cấp bậc, dòng nhạc như danh ca, diva… “Son” thì khác hẳn, bên cạnh giọng hát còn có cả giọng đàn?


Dương Cầm:
Cảm ơn phát hiện của chị! Việc mới nghệ sỹ violin Hoàng Rob chính là ý tưởng tôi muốn “phá” đi những thói quen đặt để và cả thói quen thưởng thức của khán giả. Bình thường chúng ta vẫn hay nghe những bản độc tấu violin. Sự góp mặt của Hoàng Rob trong đêm “Son” sẽ là một giọng đàn tương đương như giọng- hát. Sự thay đổi này sẽ là một cách tân thú vị, đem lại cho người nghe những trải nghiệm mới. Ví dụ, đến câu hát đó thay vì ca sỹ hát thì sẽ là giọng đàn của Hoàng Rob ngân lên.

- Hoàng Rob là gia vị hay món chính của “Son”?

Dương Cầm: Hoàng Rob và Noo Phước Thịnh xuất hiện chương một, như hương vị mùa Hè nên cũng có thể hiểu đó là món khai vị. Cũng phải nhấn mạnh đó là sự kết hợp lần đầu tiên và nghe thì không liên quan lắm. Tuy nhiên là nghệ sỹ violin duy nhất của đêm, tôi sẽ khai thác giọng đàn của Hoàng Rob như sợi chỉ đỏ mềm mại và mãnh liệt nối và giao hòa bốn mùa, bốn giọng ca nam.

["Danh ca Việt Nam": Đêm khai phá tiếng hát một thời đến đương thời]

Bằng Kiều. (Ảnh:Nhân vật cung cấp).

Không cực đoan, không thỏa hiệp nhưng phải đủ làm khó

- Lạ thì có lạ mà quen thì vẫn quen bởi những cái tên lặp lại… như Bằng Kiều, Tùng Dương, Quang Dũng trong các đêm nhạc mỗi năm đến mùa. Chất lượng nghệ thuật và sự độc đáo của “Son” lúc này lại ở cái tên khác – Dương Cầm?


Dương Cầm:
Tôi cũng bắt đầu nhận ra, việc lặp lại các chương trình ca nhạc hiện nay làm nhiều người lầm tưởng trước một chương trình quy tụ một rừng sao thì đạo diễn chỉ việc ngồi khểnh đếm… sao. Nếu chỉ nhìn vào cái tên, bản "hit" thì chắc chắn là nhàm chán.

Đạo diễn âm nhạc cũng như người nhạc trưởng cần tư duy về tổng thể và hiểu tâm lý khán giả. Đó là lý do có nhiều nhạc sỹ sáng tác rất giỏi, làm phòng thu rất giỏi nhưng chưa chắc làm được concert. Càng có trong tay nhiều ngôi sao thì càng gặp nhiều khó khăn trong việc đặt để vẫn tạo ra sự mới mẻ, bất ngờ. Chưa kể, ngôi sao họ rất chảnh và bận chạy show. Không phải ngôi sao nào cũng chịu học bài mới, hát theo bản phối mới. Thiếu sáng tạo và lười biếng tạo nên sự thất bại.

Người đạo diễn âm nhạc phải tìm tòi, đào sâu về câu chuyện hòa âm phối khí, đặt để tạo ra các màn kết hợp tránh nhàm chán và tạo ra cảm hứng mới. Tâm lý chung là càng chạy nhiều show thì người nghệ sỹ càng trông đợi và hy vọng chương trình có chất lượng nghệ thuật, mang đến cho họ những thách thức và cảm xúc mới. Rất may, ở chương trình này tất cả nghệ sỹ chấp nhận thử thách lần nữa qua bản phối mới, những kết hợp lần đầu tiên.

Nam ngệ sỹ nam quy tụ trong đêm 'Son.' (Ảnh: BTC)

- Đâu là “ca” khó đoán và làm khó Dương Cầm nhất?

Dương Cầm: Khó đoán nhất vẫn là Tùng Dương. Mọi người vẫn quen một Tùng Dương gai góc nhất. Trong đêm “Son” tôi đặt Tùng Dương trong mùa Đông lạnh buốt. Những người phụ nữ cần được run rẩy yêu thương. Chúng tôi không đẩy cao trào mà muốn chạm vào tầng sâu xúc cảm nhất, tha thiết nhất qua những ca khúc về “Mẹ.” Đó còn là sự cộng hưởng từ các giọng hát mà trước đó chưa từng xuất hiện.

- Đời sống âm nhạc hiện nay, cứ đến hẹn vào các ngày lễ trong năm như 8/3 hay 20/10, Hà Nội lại ngập đường poster các chương trình ca nhạc. Bản thân các ca sỹ cũng một đêm chạy mấy show. Nhiều đêm nhạc vẫn cháy vé nhưng không phải không có chuyện khán giả bị bội thực. Đạo diễn âm nhạc phải “đãi” ra sao để công chúng vẫn thòm thèm?

Dương Cầm: Vẫn phải âm nhạc. Chỉ âm nhạc khơi chạm vào trái tim khán giả, đưa tới sự thăng hoa. Mọi hiệu ứng chỉ là cái áo lộng lẫy, còn cảm xúc tươi mới vẫn phải là sự đặt để, kết hợp. Đó là quá trình làm việc rất sớm của đạo diễn với các nghệ sỹ để cân bằng được cả yếu tố giải trí và học thuật trong câu chuyện biên tập, đặt để, hòa âm. Không cực đoan, không thỏa hiệp nhưng phải đủ “làm khó” nhau thì chương trình mới có cái để xem và đáng xem./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục