Nhà vườn trồng thanh long 'lao đao' vì thương lái không mua

Nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang thu hoạch vụ thanh long nghịch vụ nhưng thương lái ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng khi các kho thu mua thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đã đóng cửa.
Thanh long đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua. (Ảnh minh họa: Thanh Bình/TTXVN)

Thanh long Tiền Giang đang được mùa thu hoạch nhưng nhà vườn rơi vào cảnh lao đao vì thương lái ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ ngày 29/12/2021.

Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 7.419ha thanh long, trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.775ha với năng suất đạt 25-30 tấn/ha.

Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang thu hoạch vụ thanh long nghịch vụ nhưng thương lái đã ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng khi các kho thu mua thanh long để xuất khẩu sang Trung Quốc đã đóng cửa.

[Thanh long Bình Thuận có "giấy thông hành" vào "thị trường khó tính"]

Trước đó, thương lái đến mua giá thanh long loại nhất từ 17.000-20.000 đồng/kg; còn hiện nay, thương lái thu mua chỉ mua cầm chừng 4.000-5.000 đồng/kg; thậm chí còn không thu mua.

Nhiều nhà vườn phải chịu cảnh "đắng lòng" khi nhìn trái thanh long chín đầy vườn, có trái đã nứt nẻ vì quá chín nhưng thương lai không đến mua.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, ở ấp Quang Thọ, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo có 0,8ha trồng thanh long ruột đỏ vừa thu hoạch xong. Ông may mắn hơn những nhà vườn khác vì đã bán được 6 tấn thanh long trước khi các kho thu mua thanh long đóng cửa vì phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam.

Mặc dù giá cả thỏa thuận mua ban đầu của thương lái là 17.500 đồng/kg nhưng sau khi cắt được 3 tấn thì số còn lại thương lái chỉ mua với giá 10.000 đồng/kg, nhưng đã loại bỏ gần 500kg.

Còn ông Nguyễn Văn Son ở ấp Tân Bình, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo thì "đắng lòng" khi nhìn cảnh gần 1ha thanh long đang chín đến ngày thu hoạch khoảng 10 tấn nhưng thương lái không đến mua.

Theo ước tính, chi phí xông đèn để xử lý ra hoa nghịch vụ của vườn thanh long đợt này đã gần 100 triệu đồng.

Hiện nay, theo nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Gạo, thương lái chỉ mua số ít và cầm chừng với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, với giá bán này nếu bán được thì nhà vườn cũng lỗ vốn nặng.

Nhưng nếu thương lái không mua thì hàng trăm tấn thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo và rải rác ở các địa phương khác của tỉnh Tiền Giang cũng đang vào mùa thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hư hỏng trên cây.

Thời gian qua, huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...

Tuy nhiên, thanh long Chợ Gạo nói riêng và của Tiền Giang nói chung vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu thô (trái cây tươi) theo con đường tiểu ngạch là chính.

Do vậy, để cây thanh long phát triển bền vững, rất cần một giải pháp lâu dài để nâng cao giá trị sản phẩm trái thanh long, cũng như có một thị trường ổn định cho giống cây đặc sản này trên thị trường trong và ngoài nước.

Thu hoạch thanh long. (Ảnh: TTXVN phát)

Về giải pháp lâu dài và bền vững cho phát triển cây thanh long, ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo, cho biết hướng tới là tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.

Để làm được điều đó, huyện Chợ Gạo tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền kể cả người sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất trái thanh long.

Cùng với đó, tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển mạnh để làm đầu mối trong liên kết sản xuất chuối và đầu tư cơ sở hạ tầng, rà soát điều chỉnh vùng chuyên canh cây thanh long để làm thế nào ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục