Nhà vua Bỉ kéo dài thời gian tham vấn thành lập chính phủ

Ngày 6/6, sau một cuộc họp với các báo cáo viên hoàng gia mới được bổ nhiệm, Nhà vua Philippe của Bỉ đã quyết định gia hạn thời gian của sứ mệnh thành lập một chính phủ liên bang.
Nhà vua Bỉ Philippe. (Nguồn: Getty images)

Ngày 6/6, sau một cuộc họp với các báo cáo viên hoàng gia mới được bổ nhiệm, Nhà vua Philippe của Bỉ đã quyết định gia hạn thời gian của sứ mệnh thành lập một chính phủ liên bang.

Phóng viên TTXVN tại Bỉ dẫn thông cáo hoàng gia cho biết nhà vua đã tiếp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bỉ, Didier Reynders và cựu Phó Thủ tướng Johan Vande Lanotte tại Cung điện hoàng gia ở Brussels. Hai chính trị gia này đến báo cáo với nhà vua về các đề xuất của họ liên quan tới việc thành lập chính phủ mới. Nhiệm vụ của họ được gia hạn thêm và các báo cáo viên hoàng gia sẽ trình bày cho nhà vua vào ngày 17/6.

Người phát ngôn Cung điện hoàng gia cho biết hai chính trị gia trên sẽ tiếp tục làm việc để có thể thành lập được một chính phủ liên bang trong thời hạn sớm nhất có thể.

[Nước Bỉ bắt đầu nhiệm vụ khó khăn xây dựng chính phủ liên hiệp]

Ngày 30/5, Nhà vua Bỉ đã giao cho ông Reynders và Lanotte nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin để tìm cách thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 26/5.

Hai chính trị gia đã hoàn thành vòng tham vấn kín kéo dài một tuần với đại diện của các đảng chính trị cũng như các thể chế và tổ chức phi chính trị, trong nỗ lực xác định những thách thức kinh tế-xã hội lớn đang đặt ra cho đất nước. Tuy nhiên, quyết định của Nhà vua kéo dài thời hạn tham vấn cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi một chính phủ liên bang mới được thành lập.

Cuộc bầu cử liên bang Bỉ diễn ra ngày 26/5 đã bầu ra 150 đại biểu Quốc hội. Với cơ cấu kinh tế, xã hội và hành chính của ba khu vực của Bỉ, quốc gia này đang bị chia rẽ sâu sắc và có thể phải mất một thời gian cho việc thành lập liên minh liên bang.

Nước Bỉ đã từng trải qua kỷ lục 541 ngày hồi năm 2010 - 2011 mới có thể thành lập được chính phủ trong bối cảnh sự chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng nói tiếng Hà Lan ở Flanders và những người nói tiếng Pháp ở Brussels và Wallonie.

Một số nhà chính trị học cho biết họ không hề muốn chứng kiến một sự bế tắc kéo dài tương tự và nhấn mạnh, vấn đề giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của Nhà vua Philippe trong việc giảm bớt sự chia rẽ Bắc-Nam bằng cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục