Nhà vô địch World Cup: Người Mỹ cũng từng coi thường bóng đá nữ

Thông qua chương trình Sứ giả thể thao, Cựu tuyển thủ nữ Mỹ Linda Hamilton đã có những chia sẻ với VietnamPlus về sự phát triển của bóng đá nữ tại Mỹ và tiềm năng của bóng đá nữ tại Việt Nam.
Bà Lisa Hamilton tin rằng bóng đá nữ Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. (Ảnh: Huy/Vietnam+)

Thông qua chương trình Sứ giả thể thao, Cựu tuyển thủ nữ Mỹ Linda Hamilton đã có những chia sẻ với VietnamPlus về sự phát triển của bóng đá nữ tại Mỹ và tiềm năng của bóng đá nữ tại Việt Nam.

Sứ giả Thể thao (Sports Envoys) là chương trình trao đổi do Sports United trực thuộc Vụ Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện, nhằm kết nối các bạn trẻ và cho họ thấy tầm quan trọng của khả năng lãnh đạo và tôn trọng sự đa dạng. Trong suốt chương trình, các huấn luyện viên người Mỹ sẽ huấn luyện chuyên môn cho các bạn trẻ và trao đổi kinh nghiệm với các huấn luyện viên của họ, tham gia các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Chương trình Sứ giả Thể thao lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy giao lưu giữa Mỹ và Việt Nam thông qua thể thao, cụ thể là bóng đá nữ.

Chương trình tại Việt Nam diễn ra từ 17 tới 28/4 trên ba thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Sơn La và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai sứ giả của chương trình năm nay là Linda Hamilton và Lisa Berg. Trong đó, bà Hamilton là nhà cựu vô địch World Cup 1991 cùng đội tuyển nữ Mỹ.

- Thưa bà Hamilton, sau một thời gian tiếp xúc với bóng đá nữ Việt Nam, bà có thể nói về sự khác biệt giữa bóng nữ Việt Nam và Mỹ?

Bà Linda Hamilton: Khi tôi còn chơi bóng đá nữ ở Mỹ, tình hình cũng như tại Việt Nam lúc này. Khi chúng tôi giành chức vô địch World Cup 1991, chỉ có một đơn vị báo chí chào đón chúng tôi tại sân bay. Nhưng đến năm 2015, khi đội tuyển nữ quốc gia Mỹ chiến thắng, họ được chào đón rất nồng nhiệt khi trở về. Có cả một cuộc diễu hành với nhiều đơn vị báo chí chào đón chúng tôi.

Tôi tin nếu được ủng hộ, bóng đá nữ sẽ phát triển nhanh hơn, tiến xa hơn đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Những gì diễn ra với bóng đá nữ Việt Nam tương tự như chúng tôi khi xưa.

Cuộc sống của các tuyển thủ nữ Mỹ từng rất khó khăn như các đồng nghiệp Việt Nam hiện tại. (Ảnh: Huy/Vietnam+)

- Sự khác biệt ấy được thể hiện như thế nào ở nước Mỹ? Người Mỹ đã làm gì cho các cầu thủ bóng đá nữ của mình?

Bà Linda Hamilton: Năm 1991, chúng tôi gần như không được trả lương, mỗi người chỉ được khoảng 15 USD/ngày. Nhưng đến bây giờ, các tuyển thủ nữ Mỹ đã có một cuộc sống và thu nhập rất tốt. Đó là cả một quá trình rất dài mà chúng tôi đã vật lộn và chiến đấu với định kiến. Nhờ thế, suy nghĩ của người Mỹ đã thay đổi. Đến lúc này, đội tuyển nữ Mỹ đã phát triển hơn, thành công hơn và được yêu quý hơn đội tuyển nam.

Ở Mỹ có hơn 1000 câu lạc bộ bóng đá nữ trong các trường học. Liên đoàn bóng đá Mỹ cũng có sự hỗ trợ từ sớm về ngân sách cho bóng đá nữ. Điều đó giúp bóng đá nữ phát triển rất nhiều.

Thời của chúng tôi, mỗi tuyển thủ nữ vừa phải đại diện cho quốc gia của mình, vừa phải tự lo lắng kế sinh nhai. Nhưng bây giờ, các tuyển thủ không còn phải lo lắng cho cuộc sống. Họ có thể giành trọn vẹn thời gian và công sức cho bóng đá. Mong là Việt Nam cũng có những sự hỗ trợ bóng đá nữ như vậy.

- Vậy đâu là lý do khiến bóng đá nữ ở Mỹ có thể thay đổi định kiến của xã hội?

Bà Linda Hamilton: Lý do thứ nhất khiến cho bóng đá nữ ở Mỹ được quan tâm nhiều là do chúng tôi đã chiến thắng. Lý do thứ hai là sự thay đổi các bộ luật cho phép trẻ em gái và phụ nữ có quyền tham gia thể thao tương đương nam giới. Các trường học từ cấp một cho tới Đại học có nhiều cơ hội cho trẻ em gái và sinh viên tham gia bóng đá.

Bóng đá nữ là cuộc chiến không mệt mỏi để chống lại phân biệt giới tính và bảo vệ tinh thần thể thao nguyên thủy. (Ảnh: Huy/Vietnam+)

- Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của các cầu thủ nữ Việt Nam?

Bà Linda Hamilton: Khi làm việc với bóng đá nữ Việt Nam, tôi thấy họ rất tài năng. Thế mạnh của các tuyển thủ nữ là từng cá nhân của họ có kỹ thuật và tốc độ rất tốt. Điều họ cần cải thiện là khả năng phối hợp nhóm giữa vài ba cầu thủ. Khi chơi với nhau, họ cần được huấn luyện và phối hợp tốt hơn.

Thêm nữa, họ cũng cần cơ hội va chạm, cọ sát với bên ngoài để nâng kỹ thuật lên. Họ cũng cần tạo ra phong cách riêng và sẽ sử dụng phong cách đó để chiến thắng.

- Bà muốn gửi gắm thông điệp nào thông qua hoạt động bóng đá nữ?

Bà Linda Hamilton: Bóng đá nữ không phải là câu chuyện về giới tính, đó là câu chuyện về thể thao. Chơi bóng đá nữ không ảnh hưởng gì tới giới tính của các cầu thủ nữ. Họ vẫn là phụ nữ và đây là chuyện về thể thao.

Khi bạn bắt đầu một cái gì đó mới, bạn cần thời gian, bạn cần sự dũng cảm để thay đổi. Luôn tồn tại một định kiến phân biệt giới tính giữa cầu thủ nam và nữ. Đây là điều tôi muốn nói rõ với các bạn./.

(Vienam+)

Tin cùng chuyên mục