Nhân chứng lịch sử Hà Nội

Nhà văn Tô Hoài: Nhân chứng của lịch sử Thăng Long

Nhà văn Tô Hoài tâm sự, ông viết về Hà Nội của một thời xưa cũ với những bước thăng trầm của lịch sử bằng chính những hồi ức của mình.
“Cuộc đời này, tôi sống ‘vắt mình’ suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 cho đến tận bây giờ. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến này,” vẻ tư lự như đang hoài niệm về quá khứ, nhà văn Tô Hoài tâm sự. Cũng là “không quá khi người ta coi ông là một nhà Hà Nội học và một nhân chứng của đất Thăng Long gần một thế kỷ với bao vận động, biến thiên,” nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ. Những ký ức về Hà Nội luôn đong đầy trong những trang văn và câu chuyện của nhà văn Tô Hoài. “Chuyện cũ Hà Nội” Ở tuổi ngoài 90, sức khỏe nhà văn đã yếu đi nhiều nhưng vẫn vẹn nguyên trong ông niềm xúc động, nghèn nghẹn mỗi khi nhắc tới những câu chuyện về Hà Nội của một thời xưa cũ. Nở nụ cười móm mém đầy vẻ hiền hậu, nhà văn chia sẻ: “Tôi viết bằng những hoài niệm về Hà Nội của một thời đã xa và đôi khi, bằng chính những câu chuyện trong đời sống đô thị phồn hoa ngày nay.” Thế nhưng, “ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là những câu chuyện về Hà Nội xưa cũ gắn với thời thanh niên trai trẻ của mình. Tôi muốn viết để ghi lại những cảnh, những nếp… trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà thành; có những điều mà sẽ khó có thể tìm thấy trong đời sống đương đại như niềm vui đón tết của trẻ thơ với đôi guốc mộc mới, miếng khế khô lẫn mật gừng…” tác giả của tập ký sự về lịch sử Thăng Long-“Chuyện cũ Hà Nội” chia sẻ. Lật giở lại những trang viết dù đôi mắt không còn nhìn rõ, ông bảo, hình ảnh tàu điện leng keng là một trong những ký ức mà ông nhớ nhất về Hà Nội của một thời đã xa. “Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều lắm nhưng tôi tin rằng, những ai đã sống qua những năm tháng ấy hẳn sẽ không bao giờ quên tàu điện. Đó không chỉ là phương tiện chúng ta đi mà xung quanh nó còn là những cảnh đời, thân phận của bao kiếp người,” giọng run run xúc động, nhà văn hồi tưởng lại. Nói rồi, đôi mắt đã mờ nhòe của ông rưng rưng. Trong chính tập ký sự “Chuyện cũ Hà Nội” của mình, nhà văn ghi lại: “Cái tàu điện (…) chạy ầm ầm giữa tiếng chuông ở chân người lái tàu dận xuống, thành tiếng dài dài keng keng ầm ầm mà người vùng Bưởi gọi là tiếng ‘keng ầm’ tàu điện. (…) Mỗi khi tàu đỗ, (…) tiếng hát xẩm lại thảm thiết rên rỉ: ‘Này anh khóa ơi…’ Ai oán vang lên tiếng nức nở triền miên là câu kẻ khó xin ăn: ‘Con cá nó sống vì nước. Con sống vì các ông các bà, các ông các bà ơi’…”


Một chuyến tàu điện xưa kết thúc hành trình ở khu vực chợ Đồng Xuân (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Chậm rãi, nhà văn kể, những tên gọi của Hà Nội như Thăng Long, Đông Quan, Đông Đô… thay đổi theo các thời kỳ lịch sử. Thế nhưng, trong tâm thức dân gian, phố phường, mảnh đất ấy vẫn luôn được gọi là Kẻ Chợ; và dù ở thời điểm nào, với tên gọi nào thì trung tâm của bức tranh ấy vẫn là đời sống, sinh hoạt của những người dân trên mảnh đất ấy. Hà Nội của những người lao động Lặng đi chừng vài phút, nhà văn Tô Hoài trải lòng: “Viết và nhớ về người Hà Nội xưa, tôi chỉ muốn viết và nhớ về những người lao động bình thường, đặc biệt là những người lao động thời Pháp thuộc; bởi đơn giản thôi, tôi cảm được nhịp sống, tâm sự của họ và thấy nó hợp với cái ‘tạng’ mình.” “Tôi viết để nhắc người ta nhớ rằng, để có một Thủ đô phồn hoa, tấp nập như ngày nay thì cũng đã có một thời kỳ Hà Nội lầm than. Lớp hậu sinh đừng quên rằng, cha ông mình từng phải trải qua thời kỳ làm quần quật từ mờ sáng đến nửa đêm mà vẫn đói khổ,” giọng nhà văn như nghẹn lại, đôi mắt nheo nheo. Nước mắt chảy tràn nơi khóe mắt nhăn nheo của nhà văn khi ông kể lại câu chuyện một cậu bé bị quân Nhật đánh vào đập vào đầu gối, lộ cả xương. “Cậu bé đau lắm, đầu gối nó to hơn cả ống chân và lúc ấy, máu chảy ít lắm. Tất cả cũng chỉ vì đói quá, không có gì ăn!” nhà văn hồi tưởng. Mạch chuyện nối dài, ông bảo, “chuyện chị Dậu bán con trong tiểu thuyết ‘Tắt đèn’ của cụ Ngô Tất Tố không phải là điều gì xa lạ trong xã hội thời đó. Khi còn là một thanh niên cỡ chừng 20, 25 tuổi, tôi đã chứng kiến nhiều người dân làng tôi quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng, mong chúng vào được gia đình nào có cái ăn bởi ở lại với gia đình, chắc chắn chúng sẽ chết đói.” Ký ức ùa về như những thước phim quay chậm trước đôi mắt mờ nhòe của ông. Trong trí nhớ của nhà văn già đã sống, gắn bó với Hà Nội hơn chín thập kỷ nay, người Hà Nội xưa nề nếp hơn bây giờ. Ông kể, thời trước khi vào nội thị, những người gánh hàng rong phải đứng xếp hàng ở đầu các cửa ô để đóng thuế; và “gánh hàng rong luôn mang đúng nghĩa là gánh hàng rong, cứ rong ruổi qua các phố phường chứ không có chuyện đứng hẳn đâu đó để bán hàng như bây giờ,” nhà văn nhớ lại. Nói đến đây, nhà văn Tô Hoài thở dài: “Bây giờ, đời sống khá hơn, người lao động không khổ như xưa nữa nhưng sao thói chộp giật, xô bồ cứ ngày một nhiều.” Ông bảo, hàng ngày, qua ô cửa sổ, nhìn ra ngoài đường, thấy những người bán hàng văng tục, chửi bậy, cãi cọ và lừa gạt khách mua hàng mà buồn! “Vẻ thanh lịch của Hà Nội xưa đâu rồi?” nhà văn trăn trở. Cũng bởi thế, ông luôn muốn tiếp tục những trang viết về Hà Nội như là một sự “tự thuật đời sống tinh thần, vật chất và hoạt động của một địa phương (…), là khơi gợi và xem xét để thấy được lịch sử mỗi vùng làm nên hình ảnh cả nước, cả dân tộc, có nối tiếp và lâu dài. Nó cũng là kỷ yếu đời người, bài học hôm nay và mai sau” như lời chia sẻ trong ký sự “Sự tích làng” của chính ông./.
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Ông sinh năm 1920 tại làng Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông-nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Một số giải thưởng lớn của nhà văn Tô Hoài:
Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (với tác phẩm “Tây Bắc”).
Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (với tiểu thuyết “Quê nhà”).
Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970 (với tiểu thuyết “Miền Tây”).
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (Đợt 1, năm 1996).
An Ngọc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục