Những nỗ lực nhằm hủy bỏ Luật ủy quyền điều động quân đội tham chiến (AUMF) trong cuộc chiến tại Iraq năm 2002 đã nhận được thêm sự khích lệ khi Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ ý tưởng này.
Trong tuyên bố ngày 14/6, Nhà Trắng khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc hủy bỏ luật AUMF năm 2002 trong bối cảnh Mỹ không còn bất cứ hoạt động quân sự liên tục nào dựa theo AUMF 2002.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho rằng việc hủy bỏ AUMF dường như sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự đang diễn ra.
Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên tại thời điểm Hạ viện Mỹ trong tuần này chuẩn bị bỏ phiếu cho một dự luật hủy bỏ AUMF năm 2002 được kích hoạt nhằm lật đổ chế chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein lúc bấy giờ.
Trong năm 2019 và 2020, Hạ viện Mỹ từng tiến hành bỏ phiếu hủy bỏ AUMF năm 2002, tuy nhiên, dự luật hủy bỏ này chưa bao giờ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện - cơ quan nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Tuyên bố mới nhất này của Nhà Trắng đã mở ra cơ hội dự luật hủy bỏ AUMF 2002 sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện. Những người ủng hộ cho rằng AUMF năm 2002 đã tồn tại trong thời gian quá lâu so với mục đích. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc hủy bỏ AUMF 2002 sẽ gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ.
[Cạnh tranh “dữ dội” về hỏa lực tầm xa trong quân đội Mỹ]
Trước những quan ngại này, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Biden cam kết sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để đảm bảo mọi hoạt động ủy quyền điều động lực lượng quân đội lỗi thời đều được thay thế bằng một khuôn khổ hẹp, thích hợp với mục đích đảm bảo Mỹ có thể tiếp tục bảo vệ người dân trước các mối đe dọa khủng bố.
Vài ngày sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Quốc hội nước này đã phê chuẩn AUMF rộng mở, cấp quyền điều động quân đội Mỹ nhằm truy bắt thủ phạm gây ra vụ tấn công khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.
Văn kiện này sau đó được được sử dụng để biện minh cho những hoạt động quân sự của Mỹ tại hàng chục nước trên thế giới nhằm chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda và phiến quân Taliban./.