Nhà Trắng dọa sẽ phủ quyết dự luật hạn chế đi lại tới Cuba

Dự luật Quốc hội Mỹ đang xem xét cấm các chuyến bay và tàu thủy tới Cuba, bất chấp sự ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Ảnh minh họa. (Nguồn: bancaynegocios)

Nhà Trắng ngày 2/6 phát đi tín hiệu sẽ phủ quyết dự luật nhằm cản trở nỗ lực từ phía chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm nối lại các hoạt động đi lại tới Cuba, căng thẳng chính trị mới nhất với Quốc hội Mỹ liên quan tới chính sách đối ngoại của ông Obama với La Habana.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đang xem xét một dự luật về hoạt động đi lại, trong đó có những điều khoản nhằm ngăn chặn nỗ lực của Tổng thống Obama cải thiện quan hệ với Cuba. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ: “Các cố vấn cấp cao của tổng thống khuyến nghị ông phủ quyết dự luật này."

Dự luật Quốc hội Mỹ đang xem xét cấm các chuyến bay và tàu thủy tới Cuba, bất chấp sự ủng hộ của Chính quyền Obama. Theo quan điểm của Nhà Trắng, “dự luật cũng áp đặt những hạn chế không cần thiết đối với những chuyến đi vì mục đích giáo dục, tôn giáo hay những mục đích hợp pháp khác” tới đảo quốc này.

Trong khi đó, theo Đài RFI, tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Washington-La Habana nửa năm qua hiện đã có những tiến triển tích cực nhưng đến giai đoạn then chốt là mở sứ quán ở thủ đô hai nước thì lại gặp phải rào cản là quy chế hoạt động cho các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba.

La Habana nghi ngại nhân viên sứ quán Mỹ có thể sẽ trở thành những tác nhân tiếp tay cho phong trào chống đối chế độ, thông qua những hoạt động “ủng hộ dân chủ”, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, nên La Habana vẫn muốn giới hạn cũng như siết chặt quản lý hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ tại nước này.

Điều nghi ngại của La Habana không phải là không có căn cứ.

Chuyên gia Marc Hanson, thuộc nhóm tư vấn có tên Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (WOLA) nhận định: “Các đoàn ngoại giao Mỹ vốn đã rất nổi tiếng trong việc can dự bằng việc hỗ trợ các nhà đấu tranh nhân quyền và dân chủ” ở nhiều nước. Theo chuyên gia này, tại Cuba, “các nhà đấu tranh như vậy có xu hướng hoạt động như là những người đối lập với chính quyền."

Theo ông Hanson, vì lợi ích lớn của bình thường hóa quan hệ song phương, Washington có thể sẽ phải nhượng bộ trước đòi hỏi của La Habana. Nhưng có một điểm mà chính quyền Mỹ không chấp nhận, đó là giới hạn đi lại đối với các nhân viên ngoại giao của họ. Hiện tại các nhân viên Mỹ muốn ra khỏi thủ đô La Habana đều phải xin phép chính quyền Cuba.

Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã cảnh báo rằng việc mở lại sứ quán Mỹ ở La Habana chỉ có thể diễn ra chừng nào các “ứng xử” của các nhân viên Mỹ phải được thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục