Nhà Trắng để ngỏ khả năng tiếp tục giải quyết khủng hoảng ngân hàng

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Nhà Trắng " đã làm những gì cần làm" và chính phủ cũng đang xem xét những thay đổi về lập pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Nhà Trắng để ngỏ khả năng tiếp tục giải quyết khủng hoảng ngân hàng ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Santa Clara, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính phủ đã nỗ lực hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng, song để ngỏ khả năng Nhà Trắng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tiếp theo nếu cần thiết.

Phát biểu trước báo giới trước khi rời North Carolina để trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng tôi đã làm những gì cần làm. Tôi tin rằng mọi thứ đang ổn định."

Khi được hỏi liệu chính phủ đã vận dụng hết các biện pháp đơn phương, mà không thông qua Quốc hội, để giải quyết cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng hay chưa, ông Biden cho biết: "Không. Điều này vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn đang theo dõi rất chặt chẽ."

Theo ông, cho đến nay, chính quyền đã xử lý "rất tốt" vấn đề căng thẳng trong ngành ngân hàng và chính phủ cũng đang xem xét những thay đổi về lập pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng, mặc dù điều này có thể gặp khó khăn trong lưỡng viện Quốc hội đang bị chia rẽ.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Sillicon Valley (SVB) và Signature đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.

Chính quyền của Tổng thống Biden đã nhanh chóng áp dụng một loạt biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người gửi tiền ở hai ngân hàng, trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cung cấp thêm thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng trong toàn ngành đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.

Việc đạt được thỏa thuận giải cứu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse tuần trước và việc ngân hàng First Citizens Bancshares mua lại tài sản của SVB trong tuần này đã giúp xoa dịu phần nào những lo ngại, song giới đầu tư vẫn duy trì cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính.

[Vụ SVB phá sản: FDIC, Fed sẽ xem xét thất bại trong việc quản lý SVB]

Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã bác bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính, khẳng định thế giới không trong tình trạng như cuộc khủng hoảng năm 2008.

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính liên đảng của Hạ viện Anh, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết các quan chức đang “rất cảnh giác” về các điều kiện thị trường.

Nhà Trắng để ngỏ khả năng tiếp tục giải quyết khủng hoảng ngân hàng ảnh 2Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tại London. (Ảnh: PA/TTXVN)

Ông nói thêm rằng các quan chức đang xem xét thắt chặt các quy định sau sự sụp đổ của Credit Suisse và SVB, mà ông mô tả là “sự sụp đổ nhanh nhất kể từ vụ Barings” (vụ ngân hàng thương mại của Anh sụp đổ năm 1995).

Tuy nhiên, Thống đốc BoE khẳng định lĩnh vực ngân hàng của Anh vẫn “rất mạnh," do các vấn đề ảnh hưởng đến cả SVB và Credit Suisse mang tính chất đơn lẻ, không gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính toàn cầu rộng lớn hơn.

Tuần trước, thị trường chứng khoán châu Âu đã chứng kiến làn sóng bán tháo dẫn đến việc "xóa sổ" 8,5% giá trị vốn hóa trên thị trường của Deutsche Bank và 3,8% Chỉ số Stoxx 600 Banks, song ông Bailey nhận định động thái này chỉ là "phép thử" đối với khả năng chống chịu của thị trường.

Cùng chung quan điểm, Phó Thống đốc BoE Dave Ramsden cũng cho rằng thị trường tài chính đã phần nào trở nên yên ổn hơn sau thương vụ mua lại Credit Suisse của UBS.

Cũng tại phiên điều trần, người đứng đầu bộ phận giám sát của BoE Sam Woods đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thắt chặt các quy tắc thanh khoản để đảm bảo các ngân hàng luôn đủ tiền mặt đáp ứng các nhu cầu từ người gửi tiền.

Tình trạng cạn kiệt tiền gửi là yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của cả SVB và Credit Suisse. Các cơ quan giám sát kết luận rằng cả hai ngân hàng đều không thể tồn tại được vì gần như không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền.

Credit Suisse đã tuân thủ các quy tắc toàn cầu nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản trong 30 ngày nếu lượng tiền gửi bị rút ra cao.

Ông Woods nhấn mạnh số liệu về tỷ lệ dòng vốn ra và tỷ lệ bao phủ thanh khoản của các ngân hàng cần đảm bảo độ chính xác, đồng thời khuyến nghị BoE điều chỉnh quy tắc phân loại công ty con và chi nhánh.

Các quan chức cũng khuyến nghị không nên mở rộng miễn trừ đối với các chính sách ring-fence (Hàng rào khoanh vùng), như trong trường hợp HSBC với SVB UK.

Theo chính sách này, doanh nghiệp phải tách biệt hoạt động cho vay và hoạt động đầu tư thương mại mạo hiểm hơn của các ngân hàng.

Trong trường hợp của HSBC, công ty này được phép tách toàn bộ hoạt động của SVB UK và đưa vào diện cho vay theo chính sách ring-fence, mặc dù SVB UK vẫn thực hiện một số hoạt động thương mại trên thị trường.

Ông Woods cảnh báo cần cẩn trọng với các "lỗ hổng" nhỏ trong chính sách ring-fence, do sự chồng chéo trong hoạt động cho vay ngân hàng và đầu tư mạo hiểm được cho là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính, tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục