Nhà thơ Trần Lê Khánh: Điều mới mẻ trong làng thơ Việt Nam

Trước khi chuyển sang làm thơ, Trần Lê Khánh đã khá thành công trong vai trò chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Nhà thơ Trần Lê Khánh: Điều mới mẻ trong làng thơ Việt Nam ảnh 1Một số tác phẩm của Nhà thơ Trần Lê Khánh. (Nguồn: Baochinhphu)

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi giao lưu và tọa đàm thơ Trần Lê Khánh.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà lý luận phê bình Ngô Văn Giá, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn…

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, tại Kim Bôi, Hòa Bình, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi chuyển sang làm thơ, Trần Lê Khánh đã khá thành công trong vai trò chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

[100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận: Những điều còn mãi với thời gian]

Xuất thân từ một nhà kinh tế học hoạt động trong lĩnh vực tài chính, nhưng một bước ngoặt trong cuộc sống đã đưa Trần Lê Khánh đến với con đường sáng tác thơ.

Từ năm 2015 trở đi, Trần Lê Khánh tập trung vào làm thơ và tham gia các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Có thể nói, Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ truyền thống lục bát truyền thống và anh chú trọng rất nhiều vào thể thơ này, đặc biệt là lục bát hai câu và các bài thơ ngắn. Có những bài thơ anh làm chỉ 7-8 chữ.

Tập thơ "Lục bát Múa" (trọn bộ) gồm 756 cặp lục bát, tương ứng với 756 bài thơ, có thể đọc độc lập, nhưng chúng được cấu tạo thành một trường ca lục bát.

Trần Lê Khánh đã xuất bản nhiều tập thơ như: "Lục bát Múa" (2016), "Dòng sông không vội" (2017), "Ngày như chiếc lá" (2018), "Lục bát Múa trọn bộ" (2018), "Giọt nắng tràn ly" (2019)…

Trần Lê Khánh còn có một tuyển tập thơ “Sự bắt đầu của nước” được dịch sang tiếng Anh.

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Trần Lê Khánh chia sẻ anh chỉ muốn những bài thơ khi anh viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ, qua đó có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác với bạn đọc.

“Từ khi biết làm thơ, tôi thấy mình cảm thơ được, đọc thơ người khác thấy hay, thấy quý trọng những người làm thơ," nhà thơ Trần Lê Khánh nói.

Theo nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo, anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển thành thơ.

"Thơ Trần Lê Khánh có xu hướng cô đặc lại như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ anh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy, thế nên, đọc thơ anh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm trong từng bài thơ đó," nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đánh giá thơ Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông. Ở đó có vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn, sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc...

Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác, luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó lại mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc...

"Thơ của Trần Lê Khánh là tối giản, cô đọng. Thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc. Nhà thơ Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác, một tư duy khác trong làng thơ Việt Nam hiện nay," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục