Đã mười năm trôi qua kể từ khi nhà thơ Tố Hữu qua đời nhưng khối tác phẩm đồ sộ ông để lại cho đời đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người ta nhớ về Tố Hữu không phải bởi ông từng giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam… mà người đời còn mãi nhắc tên Tố Hữu bởi ông là một tác gia có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam.
Vững vàng lập trường cách mạng
Ngay từ khi 15 tuổi cầm bút viết tập “Từ ấy” đến những bài thơ cuối đời, nhà thơ Tố Hữu vẫn vững vàng và xuyên suốt một hồn thơ cách mạng. Thơ ông đã vẽ lại bức tranh lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu.
Trong bài “Từ ấy,” Tố Hữu viết với cả niềm náo nức, reo vang khúc ca của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm cù bất cù bơ.”
Không chỉ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng mà nhà thơ Tố Hữu còn kiên định lập trường cách mạng. Ngay cả khi bị kẻ địch giam tù, tra tấn, ông cũng không lung lạc ý chí, ngược lại nhà thơ càng hừng hực tinh thần đấu tranh, không một nhà giam nào có thể “cầm tù” nổi tinh thần ấy.
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng vì thế thơ ông cũng toàn tâm với cách mạng. Chúng ta thấy rõ tư tưởng này trong tác phẩm “Bài ca xuân 61:” “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu…”
Còn trong bài “Con cá chột nưa” Tố Hữu đã cho thấy sự giằng co, đấu tranh giữa ý chí của người chiến sĩ cách mạng với những cám dỗ của kẻ thù khi ông cùng đồng đội thực hiện tuyệt thực trong tù để phản kháng địch.
Đó là bản lĩnh và danh dự của người chiến sĩ không gì có thể khuất phục: “Từ khi chân dấn bước/ Trên con đường đấu tranh/ Tôi sẵn có trong mình/ Đôi mắt thần: chủ nghĩa/ Đã đứng trong đoàn thể/ Bênh vực lợi quyền chung/ Sống chết có nhau cùng/ Không được xa hàng ngũ/ Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm.”
Những tập thơ: “Việt Bắc,” “Ra trận,” “Máu và hoa,” “Ta với ta…” của ông cũng đều viết về cuộc cách mạng và tình yêu nhà thơ dành cho quê hương, đất nước và con người.
Bên cạnh đó, nhiều câu thơ của Tố Hữu không chỉ thể hiện hào khí cách mạng mà còn trở thành những câu khẩu hiệu quen thuộc của một thời như: “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới rộng tương lai!” (trong bài “Nhớ lời di chúc, theo chân Bác”).
Thắm đượm ân tình
Dù viết về Đảng, về cách mạng và cuộc chiến tranh nhưng thơ Tố Hữu không hề khô khan, cứng nhắc, ngược lại, thơ ông luôn tha thiết và thẫm đẫm tình người.
Nhà thơ lên án xã hội phong kiến bất công cùng với nạn giặc ngoại xâm đã đẩy cuộc sống của người dân lao động đến bần cùng, khổ sở. Tố Hữu không cần hô hoán những câu khẩu hiệu mà ngòi bút sắc sảo của ông đã đi sâu vào khai thác nỗi đau con người để viết lên bản án tố cáo.
Thơ ông là tiếng lòng đồng cảm với những thân phận bị đọa đày, quần chúng lao khổ, những kiếp sống mòn mỏi đáng thương, những mái đầu trẻ thơ tội nghiệp không nơi nương tựa.
Người đời phải rơi nước mắt khi đọc bài “Hai đứa trẻ.” Tố Hữu đặt hai đứa trẻ trong hoàn cảnh đối lập đứng cạnh nhau, một con nhà chủ giàu sang, một con của người đi ở: “Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi/ Đây ngựa nga, đây lính thổi kèn Tây/ Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây/ Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi!”
Nhà thơ còn cảm thương cho người phụ nữ trước cảnh phận nghèo phải bỏ con thơ lạnh lẽo chốn quê để đi bế con người: “Nàng gửi con về nương xóm cũ/ Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi/ Rồi từ ấy, ôm con chủ/ Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi.”
Ngay cả những câu viết về vấn đề chính trị tưởng chừng sẽ bị khô khan vậy mà vẫn được Tố Hữu viết nên đầy tâm tình, đằm thắm và chân thành: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.”
Không ai có thể phủ định được thơ Tố Hữu tha thiết, ân tình, luôn gắn chặt với những chặng đường cách mạng đầy gian khổ và vẻ vang của dân tộc. Tuy nhiên, ngay cả khi dân tộc được giải phóng, đất nước hòa bình, hồn thơ Tố Hữu vẫn ấm áp tình yêu dành cho Đảng, cách mạng, con người và quê hương, đất nước.
Nhận xét về hồn thơ cách mạng Tố Hữu, nhà văn, tiến sĩ Phạm Việt Long cho biết: “Đã có một số ý kiến nói thơ Tố Hữu chỉ có tính hô hào, khẩu hiệu nhưng theo tôi nghĩ, để ‘hô khẩu hiệu’ mà đồng bào nghe được, lại làm theo, Tố Hữu phải có sự rung động thực sự, phải tạo ra được hình tượng thơ có sức biểu cảm cao. Sự rung động trong ông và hình tượng thơ của ông không chỉ mang tính cá nhân, mà đã vươn lên cao, toả rộng ra, mang tính thời đại.”/.
Vững vàng lập trường cách mạng
Ngay từ khi 15 tuổi cầm bút viết tập “Từ ấy” đến những bài thơ cuối đời, nhà thơ Tố Hữu vẫn vững vàng và xuyên suốt một hồn thơ cách mạng. Thơ ông đã vẽ lại bức tranh lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu.
Trong bài “Từ ấy,” Tố Hữu viết với cả niềm náo nức, reo vang khúc ca của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm cù bất cù bơ.”
Không chỉ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng mà nhà thơ Tố Hữu còn kiên định lập trường cách mạng. Ngay cả khi bị kẻ địch giam tù, tra tấn, ông cũng không lung lạc ý chí, ngược lại nhà thơ càng hừng hực tinh thần đấu tranh, không một nhà giam nào có thể “cầm tù” nổi tinh thần ấy.
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng vì thế thơ ông cũng toàn tâm với cách mạng. Chúng ta thấy rõ tư tưởng này trong tác phẩm “Bài ca xuân 61:” “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu…”
Còn trong bài “Con cá chột nưa” Tố Hữu đã cho thấy sự giằng co, đấu tranh giữa ý chí của người chiến sĩ cách mạng với những cám dỗ của kẻ thù khi ông cùng đồng đội thực hiện tuyệt thực trong tù để phản kháng địch.
Đó là bản lĩnh và danh dự của người chiến sĩ không gì có thể khuất phục: “Từ khi chân dấn bước/ Trên con đường đấu tranh/ Tôi sẵn có trong mình/ Đôi mắt thần: chủ nghĩa/ Đã đứng trong đoàn thể/ Bênh vực lợi quyền chung/ Sống chết có nhau cùng/ Không được xa hàng ngũ/ Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm.”
Những tập thơ: “Việt Bắc,” “Ra trận,” “Máu và hoa,” “Ta với ta…” của ông cũng đều viết về cuộc cách mạng và tình yêu nhà thơ dành cho quê hương, đất nước và con người.
Bên cạnh đó, nhiều câu thơ của Tố Hữu không chỉ thể hiện hào khí cách mạng mà còn trở thành những câu khẩu hiệu quen thuộc của một thời như: “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới rộng tương lai!” (trong bài “Nhớ lời di chúc, theo chân Bác”).
Thắm đượm ân tình
Dù viết về Đảng, về cách mạng và cuộc chiến tranh nhưng thơ Tố Hữu không hề khô khan, cứng nhắc, ngược lại, thơ ông luôn tha thiết và thẫm đẫm tình người.
Nhà thơ lên án xã hội phong kiến bất công cùng với nạn giặc ngoại xâm đã đẩy cuộc sống của người dân lao động đến bần cùng, khổ sở. Tố Hữu không cần hô hoán những câu khẩu hiệu mà ngòi bút sắc sảo của ông đã đi sâu vào khai thác nỗi đau con người để viết lên bản án tố cáo.
Thơ ông là tiếng lòng đồng cảm với những thân phận bị đọa đày, quần chúng lao khổ, những kiếp sống mòn mỏi đáng thương, những mái đầu trẻ thơ tội nghiệp không nơi nương tựa.
Người đời phải rơi nước mắt khi đọc bài “Hai đứa trẻ.” Tố Hữu đặt hai đứa trẻ trong hoàn cảnh đối lập đứng cạnh nhau, một con nhà chủ giàu sang, một con của người đi ở: “Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi/ Đây ngựa nga, đây lính thổi kèn Tây/ Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây/ Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi!”
Nhà thơ còn cảm thương cho người phụ nữ trước cảnh phận nghèo phải bỏ con thơ lạnh lẽo chốn quê để đi bế con người: “Nàng gửi con về nương xóm cũ/ Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi/ Rồi từ ấy, ôm con chủ/ Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi.”
Ngay cả những câu viết về vấn đề chính trị tưởng chừng sẽ bị khô khan vậy mà vẫn được Tố Hữu viết nên đầy tâm tình, đằm thắm và chân thành: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.”
Không ai có thể phủ định được thơ Tố Hữu tha thiết, ân tình, luôn gắn chặt với những chặng đường cách mạng đầy gian khổ và vẻ vang của dân tộc. Tuy nhiên, ngay cả khi dân tộc được giải phóng, đất nước hòa bình, hồn thơ Tố Hữu vẫn ấm áp tình yêu dành cho Đảng, cách mạng, con người và quê hương, đất nước.
Nhận xét về hồn thơ cách mạng Tố Hữu, nhà văn, tiến sĩ Phạm Việt Long cho biết: “Đã có một số ý kiến nói thơ Tố Hữu chỉ có tính hô hào, khẩu hiệu nhưng theo tôi nghĩ, để ‘hô khẩu hiệu’ mà đồng bào nghe được, lại làm theo, Tố Hữu phải có sự rung động thực sự, phải tạo ra được hình tượng thơ có sức biểu cảm cao. Sự rung động trong ông và hình tượng thơ của ông không chỉ mang tính cá nhân, mà đã vươn lên cao, toả rộng ra, mang tính thời đại.”/.
Thiên Linh (Vietnam+)