Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - người tạo cho thơ sức lôi cuốn kỳ ảo

Nguyễn Xuân Sanh cho rằng “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo.”
Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. (Nguồn: cand.com.vn)

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - thi sỹ cuối cùng của phong trào Thơ Mới - đã qua đời sáng ngày 22/11/2020.

Không chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ mới sang thơ hiện đại, ông còn có đóng góp lớn trong việc cách tân thơ, đào tạo nhiều nhà văn, dịch giả trẻ, giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới với bạn đọc trong nước.

"Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà"
(“Nhịp hải hà”)

Những câu thơ này đã trở thành câu thơ nằm lòng cùng thời gian, cùng các thế hệ học tập và công chúng yêu văn chương. Và có lẽ cũng chính vì thế mà tên tuổi, văn nghiệp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - con người nho nhã, khiêm cung - vẫn luôn tỏa sáng.

Người đón Thơ mới ở cuối con đường

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920, tại cao nguyên Đà Lạt, trong một gia đình yêu văn chương. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau vào Đà Lạt sinh sống nên ông ra đời ở đây. Từ nhỏ, ông theo học ở trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội.

Năm 1935, ở tuổi 15, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Sanh đã cho ra mắt trường ca "Lạc loài," được nhà phê bình Lê Tràng Kiều - chủ bút Hà Nội báo - trân trọng giới thiệu và cho đăng liền 13 số báo. Đây là một niềm vinh hạnh không dễ gì có được đối với một cây bút trẻ và dấu mốc này đã khích lệ Nguyễn Xuân Sanh trong suốt cuộc đời sáng tác.

Tác phẩm đầu tay của ông đã phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống, phá vỡ sự liền mạch của Thơ mới, với những câu đầy ấn tượng: "Gió trắng se mùa thơm dáng liễu
Xa vời nẻo nhạt xanh buồn xanh...
"
Sau một năm có thơ in báo, Nguyễn Xuân Sanh tiếp tục trình làng bài thơ “Xây mơ” gửi tặng Chế Lan Viên - người bạn hàng xóm thuở ấu thơ.

Khuynh hướng siêu thực, tượng trưng của tác giả thể hiện đậm nét trong tác phẩm này: "Tay sương lam mờ đương buông tơ
Nghe sương lam mờ đường giăng mơ…
Chưa thả bờ yêu ra đón má
Môi xa vây người nơi xa xôi."

Ngay lập tức, bài thơ đã được đăng trên báo Tiếng địch ở Huế và năm 1940, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng.

Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sỹ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) thành lập nhóm Xuân Thu Nhã tập, với mơ ước xây dựng một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời.

[Đoàn Tử Huyến - người đưa nền văn học bác học của thế giới về Việt Nam]

Có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của người bạn học, người hàng xóm sát vách thuở ấu thơ ở Quy Nhơn là Chế Lan Viên - người coi “làm thơ là một sự phi thường” - mà Nguyễn Xuân Sanh và nhóm Xuân Thu nhã tập cho rằng “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo.”

Đây là một hướng tìm tòi mới được giới văn chương đương thời coi là một hiện tượng văn học độc đáo, sự tiếp nối của phong trào Thơ mới ở chặng đường cuối cùng của nó. Ở đây tình yêu, sự cô đơn, nỗi buồn với mọi cung bậc màu sắc đã được khai thác đến vỉa cuối cùng.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy: “cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại còn chậm chạp và phải qua nhiều chặng,” nhưng người khởi động chặng đầu không ai khác là Nguyễn Xuân Sanh với “Buồn xưa” - một ngôi đền đơn độc và kỳ bí. Nó hiện ra vẻ đẹp toàn bích và kỳ ảo của chủ nghĩa tượng trưng và “phá vỡ tính liên tục của dòng cảm xúc và mạch liên tưởng trong thơ”:

"Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
… Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa….”

Có thể nói, “Buồn xưa” như tiếng nhạc trầm buồn của hoa lá cỏ cây, của nhịp hải hà đầy quyến rũ đưa đẩy con người vào thế giới của siêu thực trong sáng mà say đắm. Để cuối cùng chợt nhận ra rằng sau những quỳnh hoa và ngọc quế ảo não trong nỗi buồn không sao giũ được, không thể thiếu được bóng dáng của người xưa yêu dấu. Đó là chàng hoàng tử nghiêng mái tóc buồn đượm một làn mưa giữa ngàn mây tràng giang buồn muôn thuở. Và có lẽ, chàng hoàng tử đó chính là Nguyễn Xuân Sanh - người đã viết “Buồn xưa” khi mới 19 tuổi.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, những thể nghiệm của nhóm Xuân Thu Nhã tập đã kích thích tìm tòi, không để thơ ngủ quên trên thành công của dòng lãng mạn trước đó. Mặt khác, Nguyễn Xuân Sanh cung cấp thêm cho thơ những năng lực khêu gợi tiềm ẩn độc lập trong từng chữ. Tận dụng năng lực này sẽ tạo cho thơ sức lôi cuốn mê đắm, kỳ ảo, là điều rất cần với thơ, nhất là thơ chúng ta hôm nay. Sự mở đường cách tân rất đáng trân trọng này đã tạo tiền đề cho các nhà thơ sau này tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Mở đường cho sự cách tân và sáng tạo

Trong những năm 1940-1941, Nguyễn Xuân Sanh viết tập "Đất Thơm," thể nghiệm thể thơ văn xuôi, bằng cách tổ chức đặc sắc một bài thơ văn xuôi với những tiêu đề nhỏ và những suy tưởng thơ rộng mở của tác giả bằng những vần thơ tươi sáng và mới lạ:

“Chiều nay ta chỉ yêu đồng xanh
Ta mộng cánh đồng vàng
... Đồng mọi nơi sắp chín
Sắp gặt vụ mùa
Chùm bông nặng chưa chín nghiêng nhành lúa trong hạt đã gần căng
Hương đặc lùa ra bờ ruộng cỏ
… Ta dành buổi chiều nhớ cánh đồng vĩnh viễn.”

Với “Đất thơm,” có thể nói Xuân Sanh là nhà thơ đi tiên phong về thơ văn xuôi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sự mở đường cách tân rất đáng trân trọng này đã tạo tiền đề cho các nhà thơ sau này tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Các nhà văn đương thời, như Tế Hanh, Trinh Đường, Nguyễn Bao, Mã Giang Lân, Đỗ Lai Thúy… không chỉ một lần cho rằng Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, một hướng đi mới của Thơ mới ở chặng cuối con đường của nó. Tuy nhiên, sau “Buồn xưa,” dường như Nguyễn Xuân Sanh không đi tiếp con đường đổi mới thi ca mà nhường việc ấy cho những người trẻ như Nguyễn Đình Thi, Hồng Nguyên, Chính Hữu…

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời ở tuổi 100. (Nguồn: Hội Nhà văn Việt Nam)

Gần 10 năm sau, bằng một nhịp điệu mới của thơ không vần, bằng những hình ảnh lấy nguyên từ cảm giác đời sống, bằng một ngôn ngữ thuần khiết đời thường, Nguyễn Đình Thi đã làm nốt những điều Nguyễn Xuân Sanh bỏ lại, đưa thơ Việt tiến thêm một bước...

Năm 1964 ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền đã cho ra đời tập thơ văn xuôi: "Liên-Đêm-Mặt Trời nhìn thấy." Thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu 21, một số nhà thơ trẻ cũng sáng tác thơ văn xuôi như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh… Cứ thế, thơ văn xuôi tiếp tục con đường khai mở của Nguyễn Xuân Sanh trên hành trình đi tìm cái mới.

Và Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang sức mạnh chuyển đổi to lớn thay đổi cuộc sống con người mà còn mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, đặc biệt là các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh đã nhanh chóng bắt nhịp, đi theo cách mạng và chuyển sang phản ánh hiện thực. Ông làm chủ bút tuần báo Gió Mới của Tổng hội sinh viên cứu quốc và tham gia lãnh đạo văn nghệ kháng chiến liên khu 4.

Đến giữa năm 1949, ông về công tác ở Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc và làm chủ bút tờ báo “Sáng tạo.” Từ 1954 đến 1989, ông liên tục tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1957, tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông giữ cương vị Phó Tổng Thư ký; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn các khóa I, II và III.

Vừa làm công tác quản lý, ông vừa cho ra đời những tác phẩm được đông đảo độc giả yêu thích. Các tập thơ "Tiếng hát quê ta" (1947-1954), "Sáng Thơ" (1956-1960), "Nghe bước vào Xuân" (1956-1960), "Đất nước và lời ca" (1970-1977), "Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh" (1936-1990)... là cả một đường thơ được ông nhẫn nại đắp nên để đi tới và được người đời trân trọng.

Hai bài thơ của ông là “Nhớ dừa” và “Cô giáo lớp em,” đã được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước:

“Em nhớ trái dừa tròn

Của quê em Bình Định
Lấy ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa”
(“Nhớ dừa”).

Dịch giả thơ có uy tín

Quý… là một thế hệ vàng trong việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhiều bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng cả ở 5 châu lục, như Heinrich Heiner, G.Apollinaire, Paul Éluard, Adam Mikiewicz, Petofi Sándor… Ông nổi tiếng với những tập thơ dịch, như “Thơ Victo Hugo” (1986), “Tuyển tập thơ Pháp” (3 tập, 1989-1994), “Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer” (1995)…

Nguyễn Xuân Sanh dịch thơ nước ngoài rất bình dị và dễ hiểu. Hai trăm bài thơ dịch của ông đã góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho văn học dịch ở lĩnh vực thơ ca.

Từ năm 1966 đến 1975, ông được bầu làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch.

Với những đóng góp to lớn cho văn học nước nhà, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam (1951-1952). Năm 1982, ông được Nhà nước Ba Lan tặng Huân chương công trạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục