Trong thời gian giãn cách xã hội, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã kịp hoàn thành bản điện tử của tập thơ đồ sộ “Lục bát mỗi ngày.”
Nhà thơ cho biết gửi tặng độc giả phiên bản PDF (tại đây) nhằm góp phần xây dựng môi trường sống văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc truyền thống và tinh thần dân tộc, động viên tinh thần mọi người trong những ngày cả nước “chống dịch như chống giặc.”
Bản gốc cuốn sách dày 1.248 trang khổ lớn, tập hợp sáng tác trong hơn 40 năm của tác giả, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Tác giả cho rằng lục bát là thể thơ thuần Việt nhất, do đó, nhà thơ say mê lục bát và sáng lập diễn đàn Lục bát Việt Nam năm 2008 để tạo sân chơi cho những người yêu thơ. Website lucbat.com hiện có hàng trăm nghìn thành viên.
“Lục bát là biểu tượng của hồn quê Việt Nam. Thông qua hình thức truyền khẩu, thơ lục bát đã góp phần chuyển tải và lưu giữ một kho tàng tri thức khổng lồ những bài ca dao, dân ca, tục ngữ, phương ngôn... của tổ tiên ông bà từ ngàn đời truyền lại cho con cháu. Đã là người Việt thì không ai là không biết đến và không tự hào với kiệt tác ‘Truyện Kiều’ bằng thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì thế, lục bát vừa là di sản vừa là tài sản vô giá của dân tộc,” nhà thơ Đặng Vương Hưng chia sẻ.
[Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho ra mắt hai tập thơ tình 'Mây' và 'Cưng']
Tuyển tập “Lục bát mỗi ngày” của Đặng Vương Hưng chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất là tập lục bát “Học quên để nhớ” được viết cách đây 20 năm, khi nhà thơ còn làm việc tại báo An ninh Thế giới. Anh đã tạo nên một “cơn sốt thơ” bằng cách công bố thông tin trên báo chí để bạn đọc đăng ký nhận sách. Đã có hàng vạn lá thư được gửi về cho tác giả và gần 100.000 bản in sách được phát hành.
Phần thứ hai “Lục bát mỗi ngày” tuyển chọn hơn 900 bài thơ lục bát được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2020 với đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui, như nhật ký cuộc đời và số phận con người.
Phần cuối cùng là “Dư luận tác phẩm và tác giả” gồm 12 bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm một cách đa chiều.
Trong lời tựa của cuốn sách, tiến sỹ Lê Đình Thắng, nhà nghiên cứu văn hoá, nhận xét đặc điểm lục bát của Đặng Vương Hưng là rất ngắn. Hầu hết các bài được xếp gọn trong một trang sách. Về cơ bản, chúng rất chuẩn vần và niêm luật. Hơn thế, câu chữ trong thơ của Đặng Vương Hưng rất giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, gần gũi với đời thường. Đặng Vương Hưng giống như một “phù thủy” sáu-tám. Nhiều bài thơ cứ tự nhiên như một câu nói, nhưng lại rất Lục bát.
"Nhà thơ Đặng Vương Hưng có cái tài chuyển tải tất cả các chi tiết đời sống và mọi cung bậc cảm xúc của con người thành thơ. Ai đọc cũng thấy có bóng dáng của mình trong đó vì anh đã nói hộ cho suy nghĩ của rất nhiều người. Trong cuộc đời một người cầm bút, không dễ gì có được tác phẩm thơ ngàn trang được dư luận quan tâm và bạn đọc chào đón như ‘Lục bát mỗi ngày’,” tiến sỹ Lê Đình Thắng đánh giá.
Trong khi bản điện tử được miễn phí thì Tuyển tập “Lục bát mỗi ngày” bản giấy có giá bìa 600.000 đồng/cuốn. Bạn đọc có thể mua trực tiếp thông qua tác giả (Zalo, Viber, WhatsApp: 0913210520) với chi phí 300.000 đồng/cuốn, có chữ ký./.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng sinh năm 1958 ở Bắc Giang. Ông đã có nhiều tác phẩm được độc giả chú ý như “Đang yêu” (thơ), “Tin đồn” (tiểu thuyết), “Chạy trốn và mất tích” (phóng sự và tư liệu), “Nếu tôi là tỷ phú” (tạp văn), “Những lá thư thời chiến” (tư liệu), “Học quên để nhớ” (thơ), “Đa tài và đa tình” (chuyện làng văn nghệ), “Nhật ký thời chiến Việt Nam” (tư liệu)… Trong công việc của mình, Đặng Vương Hưng từng có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang; làm báo, biên tập và xuất bản sách. Ông cũng là người sáng lập, tổ chức điều hành và Chủ nhiệm đầu tiên của các website: www.lucbat.vn; www.tuhao.vn và fanpage Lục Bát Việt Nam... |