Nhà thờ Phát Diệm là quần thể nhà thờ Công giáo tọa lạc trên diện tích 22ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của bà con giáo dân trong vùng Kim Sơn, nhà thờ đá Phát Diệm mà còn là công trình kiến trúc đặc sắc thu hút du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Đây không chỉ là một công trình kết hợp hài hòa, đặc sắc giữa nghệ thuật kiến trúc phương Đông và phương Tây mà còn là một kỳ tích của thế hệ cha ông để lại cho đời sau.
Cấu trúc nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm được Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục (tức Cụ Sáu) - người được bổ nhiệm làm Chánh xứ Phát Diệm vào năm 1865, cho xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn chỉnh phác thảo họa đồ và tập trung tài lực, vật lực.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm ao hồ, phương đình, nhà thờ lớn, bốn nhà thờ bên, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá.
Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu đá và gỗ lim. Gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Tây… Đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km. Đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lị Thanh Hóa, cách 60km.
Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ hồi cuối thế kỷ XIX.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm còn có nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo. Quanh công trình được bài trí vô số hình tượng thân thuộc của các làng quê Việt Nam như tùng, cúc, trúc, mai hay hoa sen…
Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn. Phần mái được lợp bằng ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.
Điểm nổi bật của trong kiến trúc của nhà thờ đá Phát Diệm là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Tất các các hạng mục được bố trí theo một mặt bằng tổng thể hình chữ Vương. Không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rõ nét - trước là hồ nước, sau là núi - theo quan niệm người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn," với mong muốn mọi việc diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống.
Phương đình
Một trong những nơi được đánh giá là kiệt tác kiến trúc trong quần thể nhà thờ Phát Diệm là phương đình (có nghĩa là nhà vuông).
Ngay từ khi bước vào trong sân, du khách sẽ không khỏi trầm trồ, ngỡ ngàng với ngôi đình rộng lớn, có chiều dài 24m, cao 25m, chiều sâu 17m, cao 3 tầng và gần như vuông vức, được ghép từ những phiến đá màu xanh nguyên khối.
Tầng dưới lớn nhất được xây hoàn toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa to nhất, là một khối dài 4,2m, rộng 3,2m, dày 0,3m.
Tầng thứ hai treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2 tấn được đúc vào năm 1890.
Mái của phương đình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ công giáo phương Tây mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa làng Việt. Hai vách ngoài của phương đình là những chấn song đá hình cây trúc, trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích Chúa Jesus từ khi vào thành Jerusalem đến khi lên trời.
Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (nhà thờ đá)
Nói đến nhà thờ Phát Diệm không thể không nói đến nhà thờ đá, còn được gọi là nhà thờ dâng kính Trái tim Đức Mẹ. Công trình dài 15,3m, rộng 8,5m, cao 6m được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này.
Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa, tháp hay bàn thờ…
Phía trong nhà thờ đá được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý gồm tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong năm. Đường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng vô cùng sống động.
Công trình nhà thờ lớn
Trung tâm và cũng là điểm nhấn của quần thể là nhà thờ chính tòa được khánh thành năm 1891, nay là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Phát Diệm.
Nhà thờ có chiều dài là 74m, chiều rộng 21m, có 4 mái được chạm trổ tinh xảo và 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, mỗi cột nặng 10 tấn.
Bàn thờ chính là một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m trên ba mặt có chạm khắc hoa lá.
Điểm chung trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm giống với nhà thờ ở phương Tây là lòng nhà thờ dài, còn lại được bài trí theo cách truyền thống, gồm 10 gian, có 9 bộ chồng giường. Hệ thống mái được phân thành 2 tầng ngắt quãng bởi cửa sổ đến lấy ánh sáng đồng thời tạo độ vút cho mái. Đây chính là dạng chồng diêm trong kiến trúc chùa Việt.
Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ, mặt bằng và mặt đứng đều giật cấp với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần về hai bên.
Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc phương Đông-Gotic (phương Tây).
Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.
Ngoài các công trình kể trên, mỗi mặt bên trái và bên phải của nhà thờ lớn lại có 2 nhà thờ nhỏ nằm liền kề, gồm nhà thờ Thánh Phêrô, nhà thờ Thánh Giuse, nhà thờ Thánh Bôcô và nhà thờ Trái tim Chúa Jesus. Mỗi nhà thờ có một thiết kế khác nhau, cả về ngoại thất lẫn nội thất.
Ba hang đá nhân tạo ở phía bắc nhà thờ Phát Diệm được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trên các hang đá đều có các tượng lớn.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại với những tác động từ thiên tai, chiến tranh nhưng công trình vẫn vững chãi và gìn giữ được nguyên trạng cho đến ngày nay.
Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988.
Với các các công trình kiến trúc nguy nga, kết hợp hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống của phương Đông, quần thể nhà thờ Phát Diệm đã trở thành một phần không thể thiếu của du lịch Ninh Bình, tạo ra những khám phá thú vị khi du khách tìm hiểu nơi đây./.
Chiêm ngưỡng những tạo tác hình tượng rồng đặc sắc tại Chùa Đậu
Chùa Đậu huyện Thường Tín có hai hình tượng rồng khá đặc trưng là rồng thời Lê Trung Hưng và thời Trần, đặc biệt trong đó có rồng Lê Trung Hưng được khắc họa khá tỉ mỉ và đẹp mắt.