Nhà thiết kế Nhật Bản bị chỉ trích vì dùng bướm sống trong trang phục

Nhà sáng lập thương hiệu Undercover của Nhật Bản đã phải gửi lời xin lỗi đến PETA vì “đã bẫy những con bướm bay tự do trên bầu trời” đưa vào bộ sưu tập “Terrarium” trong Tuần lễ Thời trang Paris
Những chiếc váy mang chủ đề “Terrarium” được trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Paris hồi tháng Chín. (Nguồn: CNN)

Sau những lời chỉ trích từ Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA vì sử dụng bướm sống trong trang phục, nhà sáng lập thương hiệu Undercover của Nhật Bản, ông Jun Takahashi, đã gửi lời xin lỗi và cam kết sẽ không bao giờ đưa động vật sống vào thiết kế nữa.

Trong bức thư gửi PETA, Jun Takahashi đã bày tỏ sự hối lỗi vì “đã bẫy những con bướm bay tự do trên bầu trời.”

Những chiếc váy mang chủ đề “Terrarium” (tạm dịch: Hệ sinh thái thu nhỏ) của nhà thiết kế Takahashi với chi tiết hoa và bướm sống đã tạo nên khoảnh khắc thanh tao trong buổi trình diễn Xuân-Hè 2024 tại Tuần lễ Thời trang Paris hồi tháng Chín.

Tuy nhiên, mẫu thiết kế này cũng làm dấy lên mối lo ngại của các nhà hoạt động vì quyền động vật về phúc lợi của côn trùng.

Vào tháng 10 vừa qua, Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) đã gửi thư cho Takahashi, trong đó nói rằng những con bướm được sử dụng để trưng bày “thường bị bắt từ tự nhiên hoặc được nuôi nhốt trong các trang trại.” Nhiều con bị dập nát hoặc chết khi bị vận chuyển “như hàng hóa” trong các phong bì hay hộp nhỏ.

PETA còn trích dẫn lời của Hiệp hội Bướm Bắc Mỹ cho hay nhiều chuyên gia tổ chức tiệc cưới hiện đã tránh sử dụng bướm trong đám cưới vì chúng (thường) chết hoặc trong tình trạng “dở sống dở chết.”

[Thương hiệu Moncler của Italy loại bỏ lông thú trên sản phẩm áo parka]

Hồi giữa tháng 10, nhà thiết kế Takahashi đã viết thư hồi đáp PETA, trong đó nhấn mạnh rằng bản thân ông mong muốn những con bướm trong buổi diễn được an toàn và khỏe mạnh.

Takahashi cho biết ông đã đặt những con bướm từ một nhà lai tạo “có đạo đức,” cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhiệt độ thích hợp cũng như không gian rộng rãi cho bướm được thở và bay.

Mẫu váy sử dụng những con bướm sông của nhà thiết kế Takahashi. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, nhà sáng lập của Uncover chia sẻ đây là một sai lầm, dù thương hiệu cố gắng tạo ra “môi trường thoải mái nhất có thể” cho các sinh vật sống.

“Tôi cảm thấy tội lỗi nhưng vẫn quyết định đưa những con bướm vào bộ thiết kế để tạo ra tác phẩm của bản thân,” Takahashi bày tỏ.

Takahashi tiết lộ thêm, ông đã thả những con bướm ra công viên ngay sau buổi trình diễn.

Mặc dù vậy, PETA vẫn lưu ý rằng những con bướm được nuôi nhốt sẽ “gặp khó khăn để tìm nguồn thức ăn và cơ hội sống sót thấp” nếu thả ra ngoài tự nhiên, đồng thời có thể “truyền bệnh cho côn trùng địa phương”.

Người phát ngôn của PETA cho biết đại diện của tổ chức đã gặp trực tiếp Takahashi để cảm ơn anh ấy về bức thư. Hai bên đã có một “cuộc thảo luận mang tính xây dựng.”

Nhà thiết kế Nhật Bản hy vọng "mọi người sẽ đánh giá cao thiện chí của nhãn hàng và có thể chia sẻ thêm về chủ đề này bởi Uncover muốn hướng tới những điều tốt đẹp hơn.”

Vào năm 2018, Cửa hàng bách hóa Barneys ở New York đã ngừng trưng bày côn trùng trong các gian hàng sau khi phải đối mặt với những khiếu nại tương tự từ PETA về việc sử dụng bướm chúa sống.

Tổ chức Bảo vệ Quyền Động vật cũng có các chiến dịch nhắm vào “sự tàn ác có hệ thống” trong hoạt động buôn bán các nguyên phụ liệu trong ngành thời trang gồm da, mohair, len, cashmere, lông tơ và lông thú./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục