Nhà thầu ngoại “trói” tiến độ cao tốc

Nhà thầu ngoại “trói” tiến độ Cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai bị chậm tiến độ so với kế hoạch vì năng lực nhà thầu ngoại và giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.
Nhà thầu ngoại “trói” tiến độ Cao tốc Nội Bài-Lào Cai ảnh 1Tiến độ cao tốc Nội Bài-Lào Cai chậm vì nhà thầu ngoại. (Ảnh: TTXVN)

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai được khởi công từ đầu tháng 7/2009 và dự kiến ấn định thời hạn thông xe vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến cao tốc này tiến độ triển khai thi công của các gói thầu đều chậm so với kế hoạch đề ra.

“Nhà thầu chính (nước ngoài) tại một vài gói thầu không cung cấp đủ vốn cho các nhà thầu phụ, công tác giải phóng mặt bằng còn tồn tại không ít khó khăn… đã cản trở thi công dự án,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Mặt bắng “trói” tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp (từ gói thầu A1 đến gói thầu A8). Đến nay, sau 4 năm triển khai dự án, khối lượng thực hiện của các nhà thầu tại các gói thầu A4 và A5 rất chậm, chưa đạt 50%. Các gói thầu A2, A3, A6 đỡ hơn nhưng cũng chỉ đạt trên 50% và có nguy cơ không đạt tiến độ tổng thể của dự án.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tuyến đường này đang có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng vì hàng trăm hộ dân cản trở thi công và đường dây điện “trói” dự án.

Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng kế hoạch đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết, dự án hiện vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc rải rác dọc tuyến, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công.

“Vướng mắc mặt bằng chủ yếu do người dân cản trở, tái lấn chiếm mặt bằng thi công bởi một phần cũng do đơn vị thi công không tích cực. Nhiều nơi, các hộ dân thắc mắc về chế độ chính sách, chênh lệch giá đền bù do khung giá đất của mỗi địa phương khác nhau,” ông Nam nhìn nhận.

Dẫn chứng, ở gói thầu A1 tại địa bàn Hà Nội còn 3 hộ dân trên vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tại Sóc Sơn có 26 hộ dân cản trở thi công do liên quan đến việc ảnh hưởng rung nứt. Ở Vĩnh Phúc, còn một số hộ dân ở hai huyện Tam Dương, Bình Xuyên vướng mặt bằng và hàng chục hộ cản trở thi công…

Ngoài ra, theo ông Nam, dọc tuyến cao tốc này vẫn còn một số công trình công cộng cũng chưa được di dời, thậm chí có những công trình đường điện đã được di dời hoặc nâng cao độ nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn để nhà thầu thi công đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Là nhà thầu phụ thi công 9,4 km cao tốc Hà Nội-Lào Cai gói thầu A4 sau khi được Bộ Giao thông Vận tải điều động lên tăng cường cho nhà thầu chính để “thúc” tiến độ dự án cao tốc Hà Nội-Lao Cai (từ tháng 7/2013), ông Nguyễn Tuấn Huynh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết, hiện đoạn tuyến vẫn còn tồn tại 12 điểm vướng mắc về mặt bằng tại các điểm cầu đường ngang dân sinh và núi đá, trong đó có nhiều điểm người dân ngăn cản không cho thi công.

“Các hộ dân sinh sống tại đây cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng trong đền bù giải phóng mặt bằng nên không cho đơn vị vào thi công. Hơn nữa, tại nhiều đoạn tuyến địa chất không như thiết kế, nền đất yếu phải xử lý mất rất nhiều thời gian nên cần được thi công sớm thì mới có thể đảm bảo tiến độ dự án,” ông Huynh cho hay.

“Thúc” tiến độ nhà thầu ngoại

Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu) gồm: Tập đoàn Posco, Keangnam, Doosan. Gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và nhà thầu Vinaconex (Việt Nam) thực hiện.

Cuối tháng 10 vừa qua, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ dự án trên, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, các gói A1, A2, A3, A6, A7, A8 có thể thông vào cuối năm. Tuy nhiên, hai gói thầu A4 và A5 của nhà thầu Kengnam đang gặp rất nhiều khó khăn và chậm tiến độ từ 2-3 tháng.

Lý giải cho tình trạng này, theo ông Nam, nhà thầu chính sử dụng nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực, không cung cấp đủ tài chính cho nhà thầu phụ thực hiện thi công dự án.

“Đến thời điểm này, nhà thầu chính vẫn không đáp ứng được yêu cầu về tài chính cho các nhà thầu phụ. Việc thanh toán từ nhà thầu chính cho các nhà thầu phụ rất chậm, không đúng cam kết trong vòng 7 ngày kể từ khi nhà thầu chính nhận được tiền từ chủ đầu tư,” vị Trưởng phòng kế hoạch đầu tư đánh giá.

Đơn cử, tại gói thầu A5, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu chính 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà thầu chính mới giải ngân cho nhà thầu phụ 60 tỷ đồng. Còn tại gói A4, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu chính 60 tỷ đồng nhưng đơn vị này vẫn chưa giải ngân cho nhà thầu phụ.

Là đơn vị trực tiếp điều rất nhiều máy móc thiết bị để chi viện cho gói A4 với quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2013, đến nay, Cienco 4 làm được khoảng 54 tỷ đồng khối lượng nhưng mới chỉ nhận được 9,4 tỷ đồng từ phía nhà thầu chính Kengnam.

“Đơn vị đã phản ánh với nhà thầu Kengnam về việc chậm trả tiền theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, phía nhà thầu Kengnam cho biết, với tình hình tài chính hiện nay thì 4 đến 5 tháng nữa việc giải ngân sẽ chưa có gì thay đổi,” ông Huynh, Phó Tổng giám đốc Cienco 4 nói.

Trước sự chậm trễ của nhà thầu trong việc thực hiện tiến dự án cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng trường cho biết, Bộ và VEC đã cử đoàn sang Hàn Quốc làm việc với lãnh đạo cao nhất của 3 tập đoàn có các đơn vị thi công đang bị "lụt" tiến độ tại Việt Nam.

“Mặc dù lãnh đạo các tập đoàn đều nói đang gặp khó khăn nhưng Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết yêu cầu nhà thầu chính phải thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng như đã cam kết. Các tập đoàn này phải sớm thanh toán tất cả các khoản nợ còn lại cho các nhà thầu phụ,” Thứ trưởng Trường khẳng định.

Đề cập đến việc các nhà thầu ngoại vẫn tiếp tục vi phạm, không thực hiện đúng cam kết làm tăng mức phí đầu tư dự án, Thứ trưởng Trường cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo nhà tài trợ về vi phạm hợp đồng làm tăng mức phí đầu tư dự án, thậm chí, kiểm điểm cảnh cáo nhà thầu chính và không loại trừ cấm tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo.

"Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị thông báo mức phạt với các nhà thầu thực hiện không đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng," vị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm./.

Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai được phát lệnh khởi công từ ngày 1/7/2009. Tuyến đường có tổng chiều dài 245 km (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

Theo thiết kế, đoạn Hà Nội-Yên Bái có 4 làn xe cho phép đạt vận tốc tối thiểu 100km/giờ; đoạn Yên Bái-Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối thiểu 80km/giờ. Khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ rút ngắn hành trình từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3 giờ.

Mới đây, ngày 3/11, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi kiểm tra tiến độ và chất lượng thi công tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà thầu xây lắp tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động nhân lực, máy móc thiết bị để thi công đồng thời tăng cường quản lý, giám sát để công trình đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật, phấn đấu đến tháng 4/2014 thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục