Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc nhà thầu của dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đòi yêu cầu bồi thường 81 triệu USD không phải lần đầu và các bên sẽ làm việc với nhau để xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm thuộc bên nào, đồng thời thỏa thuận các giải pháp xử lý.
Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với ông Minh về vấn đề này vào chiều nay (ngày 4/4)
Có 84 ngày để giải đáp nhà thầu đòi bồi thường
- Lý do gì Liên nhà thầu Hàn Quốc, Italy đòi bồi thường tại dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, thưa ông? Kiến nghị đòi bồi thường có cơ sở hay không?
Ông Nguyễn Cao Minh: Đề nghị của nhà thầu ngoại xuất phát từ buổi kiểm tra công trường dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Tại buổi kiểm tra này, nhà thầu đã kiến nghị, đề cập chậm giải phóng mặt bằng, có thể ảnh hưởng tiến độ nên đề nghị bồi thường 81 triệu USD.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã có báo cáo trả lời nội dung của nhà thầu; tư vấn giám sát và chủ đầu tư sẽ xử lý các khiếu kiện của nhà thầu theo quy định của hợp đồng và pháp luật liên quan trên tinh thần hợp tác, thân thiện giữa các bên.
[Thi công lắp đặt ray tàu cho Đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội]
Kiến nghị đòi bồi thường của nhà thầu được họ thực hiện theo quy định của hợp đồng, trong đó cho phép nhà thầu trong quá trình triển khai nếu thấy rằng bên kia chưa thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng thì có quyền gửi kiến nghị. Và, nhà thầu đang thực hiện theo bước này, hai bên trao đổi kiến nghị.
- Vậy, tiến trình xử lý khiếu kiện 81 triệu USD sẽ được triển khai theo phương hướng nào để giảm thiểu thiệt hại cho phía Hà Nội cũng như không làm tăng tổng mức đầu tư dự án?
Ông Nguyễn Cao Minh: Đối với việc xử lý khiếu kiện và kiến nghị của nhà thầu có 3 bước đó là hai bên có trao đổi về khiếu kiện; tư vấn giám sát có trách nhiệm giúp chủ đầu tư trả lời nhà thầu, hoặc trả lời các nội dung mà chủ đầu tư khiếu kiện nhà thầu. Tư vấn giám sát đóng vai trò như một bên trung gian thứ ba, một bên cố gắng đảm bảo sự công bằng giữa hai bên.
Nếu các bên không thống nhất với sự hòa giải này thì sẽ thống nhất lập ra một Ban hòa giải để cùng xem xét lại các yếu tố liên quan đến khiếu kiện của các bên. Nếu Ban hòa giải tiếp tục không giải quyết được thì xử lý bằng trọng tài kinh tế. Đây là quy định trong hợp đồng.
Với khiếu kiện đòi bồi thường 81 triệu USD của nhà thầu đưa ra, chủ đầu tư đang xem xét ở cấp độ 1. Hai bên đang trao đổi về vấn đề này trên tinh thần hợp tác, thân thiện và chia sẻ. Chủ đầu tư đã hướng dẫn nhà thầu về quy định xử lý theo luật. Nhà thầu phải có giải trình rõ sai khác so với hợp đồng gốc ban đầu, trách nhiệm của các bên cũng như các chứng cứ liên quan theo quy định để chứng minh được các nội dung thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư. Nhà thầu phải xác định các chi phí tổn thất của nhà thầu theo đúng các quy định của Việt Nam.
Theo quy định, hai bên sẽ có thời gian trao đổi trong 84 ngày. Với đề xuất này của nhà thầu thì đang ở cấp độ hòa giải, hợp tác với chủ đầu tư trong các vướng mắc. Nhà thầu vẫn đang tổ chức thực hiện thi công dự án, chứ không đặt cao vấn đề khiếu kiện gây áp lực, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
- Trong trường hợp chưa đưa ra được “tiếng nói chung” giữa hai bên khi mà thời hạn 84 ngày đã hết. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có các bước tiếp theo như thế nào? Và số tiền bồi thường sẽ được lấy từ đâu?Có làm tăng tổng mức đầu tư dự án hay không?
Ông Nguyễn Cao Minh: Trong thời hạn 84 ngày, chủ đầu tư và Tư vấn giám sát phải có trả lời về khiếu kiện cho nhà thầu. Trên cơ sở này, nhà thầu có thể đồng ý hay không đồng ý. Nhưng trong 84 ngày này, Ban sẽ làm việc cụ thể, kỹ càng với nhà thầu. Nếu hai bên vẫn không thống nhất thì sẽ tiếp tục thỏa thuận với nhau.
Số tiền nhà thầu đòi bồi thường 81 triệu USD cần phải được phân tích cụ thể và chi tiết, trong đó nếu là các sửa đổi bổ sung của nhà thầu liên quan đến việc sửa đổi bổ sung biện pháp thi công, phát sinh chi phí hợp lý thì theo quy định chúng ta cần phải bổ sung chi phí cho nhà thầu và sẽ lấy từ nguồn dự phòng dự án.
Nếu do điều kiện khách quan, nhà thầu cần phải bắt buộc kéo dài thời gian thực hiện thi công thì cũng sẽ phải bổ sung chi phí cho nhà thầu. Việc này cũng sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Không phải là tiền lệ đòi bồi thường
- Đây không phải là tiền lệ đòi bồi thường hợp đồng bởi trước đó cầu Nhật Tân cũng đã có nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường hợp đồng do chậm tiến độ. Vậy, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã tham khảo và lường trước được việc này hay chưa?
Ông Nguyễn Cao Minh: Nhà thầu nước ngoài trong quá trình triển khai các hoạt động ở Việt Nam cần có hiểu biết, tìm hiểu về quy định pháp luật và nắm rõ các quy định này, đặc biệt trong các vấn đề phức tạp như giải phóng mặt bằng.
Ban luôn khuyến nghị nhà thầu nên thuê tư vấn trong nước có hiểu biết về quy định của pháp luật của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này để đảm bảo đề xuất của nhà thầu phù hợp với quy định của Việt Nam.
Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên nhà thầu đòi bồi thường tại dự án này. Trước đây, nhà thầu đã có kiến nghị liên quan đến bồi thường chậm trễ bàn giao mặt bằng với giá trị 40 triệu USD. Sau đó, Tư vấn giám sát và chủ đầu tư đã có văn bản từ chối đề xuất của nhà thầu, cũng như hướng dẫn nhà thầu thưc hiện theo đúng quy định của hợp đồng, làm rõ các nội dung liên quan cần thực hiện, theo tinh thần hòa giải và hợp tác.
- Dự án vẫn còn tồn tại vướng mắc mặt bằng và chủ đầu tư sẽ có biện pháp gì để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Minh: Công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này là cực kỳ phức tạp do công trình đều đi vào các tuyến phố trung tâm, trọng điểm, các khu vực thu hồi đất đều đông dân cư, nhà mặt phố nên việc thu hồi những khu vực này hết sức phức tạp.
[Sẽ dùng robot đào hầm dự án metro Nhổn-ga Hà Nội vào cuối 2019]
Ban đã thực hiện chỉ đạo của thành phố tập trung giải quyết vướng mắc sớm nhất để hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 4 ga ngầm còn lại của dự án để đảm bảo bàn giao cho nhà thầu triển khai thi công.
Hiện, nhà thầu đã mở được 3/5 công trường thi công, trong tháng Tư này tiếp tục mở công trường triển khai thi công ga ngầm S12 Trần Hưng Đạo và trong tháng Sáu tới sẽ mở tiếp công trường thi công ga ngầm Văn Miếu.
Bên cạnh đó, Ban cũng đã thống nhất với nhà thầu, thay đổi biện pháp thi công, thay vì thi công khi nhận đủ tất cả mặt bằng bằng việc, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Tôi vẫn khẳng định, việc vướng mắc mặt bằng, bàn giao mặt bằng chậm trễ có ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Hiện, Ban đang tập trung xử lý mặt bằng sớm để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Thành phố Hà Nội đã báo cáo Chính phủ cần phải gia hạn thời gian thực hiện dự án và Chính phủ cũng đã chấp nhận. Theo đó, đoạn tuyến trên cao sẽ hoàn thành và khai thác vào cuối 2020 và đoạn ngầm khai thác vào cuối năm 2022.
- Xin cảm ơn ông./.