Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange tìm cách xin tị nạn tại Pháp

Đội ngũ luật sư của ông Julian Assange cho hay sẽ liên lạc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng xin tị nạn cho thân chủ của mình và yêu cầu xin tị nạn này không thuộc loại "thông thường."
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, ngày 19/5/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, ngày 19/5/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 21/2, luật sư của nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange cho biết ông này có thể sẽ tìm cách xin tị nạn tại Pháp

Trả lời phỏng vấn trên đài Europe 1, luật sư Dupond-Moretti cho biết đội ngũ luật sư của ông Assange sẽ liên lạc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng xin tị nạn cho thân chủ của mình.

Ông Assange từng cho biết con út của ông và mẹ đang ở Pháp. Các luật sư cũng lưu ý rằng yêu cầu xin tị nạn này không thuộc loại "thông thường" vì ông Asange đang không ở trong lãnh thổ Pháp.

Luật sư Dupond Moretti cho biết yêu cầu xin tị nạn tại Pháp sẽ dựa trên các cơ sở nhân đạo và y tế, lập luận rằng thân chủ của mình có những biểu hiện "bị hành hạ về tinh thần."

[Thụy Điển không điều tra cáo buộc cưỡng hiếp của ông Assange]

Ông Moretti trích dẫn Khoản 53 của Hiến pháp Pháp cho phép quốc gia này tiếp nhận một người tị nạn đang bị đe dọa vì các lý do liên quan tới tự do ngôn luận. Năm 2015, ông Assange từng xin tị nạn tại Pháp nhưng bị từ chối.

Gần một thập kỷ sau khi trang WikiLeaks đăng tải những thông tin gắn mác "tuyệt mật" của Chính phủ Mỹ lên mạng Internet, nhà sáng lập Asssange hiện đang bị giam tại một nhà tù ở Anh vì vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại.

Ngày 24/2 tới, tòa án Woolwich Crown tại thủ đô London sẽ bắt đầu các phiên xem xét yêu cầu dẫn độ người sáng lập WikiLeaks sang Mỹ phục vụ việc xét xử các cáo buộc từ chính quyền Washington.

Mỹ cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks 18 tội danh âm mưu tấn công hệ thống máy tính chính phủ và vi phạm luật gián điệp. Nếu bị kết tội, ông Assange sẽ phải ngồi tù nhiều thập kỷ.

Trong phiên tòa tuần tới, thẩm phán Vanessa Baraitser sẽ nghe các bên tranh luận về việc nên hay không nên cho phép dẫn độ ông này về Mỹ để xét xử.

Luật sư bào chữa cho ông Assange, Jennifer Robinson, cho rằng vụ việc có thể dẫn tới tình trạng hình sự hóa các hoạt động tối căn bản của những nhà báo điều tra.

Phiên xét xử tại tòa án Woolwich Crown sẽ không nhằm mục đích quyết định ông Assange có tội hay không mà chỉ để xem xét liệu yêu cầu của phía Mỹ về việc dẫn độ ông Assange có đảm bảo những yêu cầu đặt ra theo thỏa thuận dẫn độ mà hai bên ký kết năm 2003 hay không.

Phiên tòa kéo dài một tuần này mới chỉ là giai đoạn một của quá trình xem xét yêu cầu dẫn độ. Giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ ngày 18/5 và kéo dài 3 tuần. Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn sẽ cho phép các bên tìm thêm chứng cứ.

Các luật sư của ông Assange cho biết họ sẽ tập trung vào lập luận rằng yêu cầu dẫn độ ông Assange là vì một đích chính trị, điều không được chấp nhận trong thỏa thuận dẫn độ Anh-Mỹ.

Nhóm luật sư của ông Assange sẽ gọi khoảng 21 nhân chứng trong quá trình bào chữa cho ông.

Nếu thẩm phán quyết định cho phép dẫn độ ông Assange tới Mỹ, thì quyết định này cần được Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel chấp thuận mới có hiệu lực.

Trong trường hợp phản đối quyết định, ông Patel có thể kháng cáo lên Tòa án thượng thẩm London và sau đó có thể là Tòa án Tối cao Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục