Ngày 26/3, Tòa án cấp cao ở London (Anh) đã ra phán quyết rằng ông Julian Assange, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, được phép kháng cáo lại quyết định dẫn độ ông sang Mỹ, trừ khi Mỹ cam kết rằng ông sẽ không phải đối mặt với án tử hình.
Các công tố viên Mỹ đang tìm cách dẫn độ ông Assange, 52 tuổi, sang Mỹ để xét xử với 18 tội danh bị cấm theo Đạo luật gián điệp, liên quan đến việc WikiLeaks tiết lộ nhiều hồ sơ mật quân sự và điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ.
Tháng 2 vừa qua, các luật sư của ông Assange đã nộp đơn xin kháng cáo quyết định dẫn độ.
Trong phán quyết, hai thẩm phán cấp cao của tòa trên cho biết ông Assange có thể kháng cáo chống lại việc dẫn độ vì ông có thể bị Mỹ kết tội tử hình, nghĩa là việc dẫn độ ông sang Mỹ sẽ là bất hợp pháp.
Các thẩm phán khẳng định các bộ trưởng Anh "có nghĩa vụ không ra lệnh dẫn độ một người nếu người đó có thể bị kết án tử hình.”
Và nếu những đảm bảo đó không được thực hiện thì ông Assange sẽ được phép kháng cáo.
Mỹ khẳng định vụ WikiLeaks công khai nhiều tài liệu mật của quân đội Mỹ và điện tín ngoại giao đe dọa tính mạng của các đặc vụ Mỹ và là hành vi không thể bào chữa.
Ông Assange đã bắt đầu các cuộc chiến pháp lý từ năm 2010, có 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London trước khi bị cảnh sát Anh đưa ra ngoài và giam giữ năm 2019 vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh.
Năm 2022, Anh cho phép dẫn độ nhân vật này sang Mỹ. Tòa án ở London mở phiên xét xử đơn kháng nghị lệnh dẫn độ về Mỹ của ông Assange từ ngày 20/2.
Dự kiến, tòa án London sẽ mở phiên phúc thẩm đầy đủ để xem xét vụ việc. Các luật sư lo ngại nếu bị dẫn độ sang Mỹ, ông Assange có thể bị kết án lên tới 175 năm tù giam hoặc tối thiểu là 30-40 năm.
Các công tố viên Mỹ từng cho biết án tù dành cho ông Assange sẽ không quá 63 tháng./.
Anh: Ông Assange không dự phiên tòa liên quan đến việc bị dẫn độ sang Mỹ
Luật sư của ông Assange thông báo nhà sáng lập WikiLeaks sẽ không đến tham dự phiên tòa do vấn đề sức khỏe. Vợ của ông Assange là bà Stella Assange có mặt tại phiên tòa lần này.