Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản

Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại thị trấn Kikuyo ở Kumamoto, dự kiến quý 4 năm 2024 bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn công nghệ, bao gồm cả chip 12 nanomet trong ôtô và thiết bị công nghiệp.
Bên ngoài nhà máy sản xuất của TSMC ở Kumamoto, Nhật Bản. (Ảnh CNA)

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, mở đường cho việc bắt đầu sản xuất chip liên quan đến ô tô và điện thoại thông minh cho các khách hàng hàng đầu Nhật Bản là Sony và Renesas vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito cùng hàng trăm lãnh đạo ngành công nghiệp chip Nhật Bản đã có mặt tại Kumamoto để dự lễ khai mạc vào chiều ngày 24/2, cùng với Chủ tịch TSMC Mark Liu, Giám đốc điều hành C.C. Wei và nhà sáng lập Morris Chang.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn tiên tiến.

TSMC bắt đầu xây dựng nhà máy thứ hai ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản trong năm nay. Hoạt động sản xuất ở nhà máy này sẽ bắt đầu vào cuối năm 2027.

Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại thị trấn Kikuyo ở Kumamoto, dự kiến vào quý 4 năm 2024 bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn công nghệ, bao gồm cả chip 12 nanomet được sử dụng trong ôtô và thiết bị công nghiệp.

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định hỗ trợ tài chính cho nhà máy thứ hai. Ông Kishida nhấn mạnh: “Chất bán dẫn là công nghệ thiết yếu cho quá trình số hóa và khử carbon” và Bộ trưởng Công nghiệp Ken Saito xác nhận khoản trợ cấp cho nhà máy thứ hai sẽ đạt 732 tỷ yen.

Ông Morris Chang, người sáng lập TSMC, phát biểu dự án sẽ dẫn đến sự “phục hưng” của ngành sản xuất chất bán dẫn ở Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Tổng vốn đầu tư vào nhà máy đầu tiên khoảng 8,6 tỷ USD, trong đó chính phủ trợ cấp tới 476 tỷ yên (3,2 tỷ USD).

Trước khi khánh thành nhà máy, TSMC tuyên bố sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Nhật Bản lên hơn 20 tỷ USD, bao gồm cả cơ sở sản xuất chip thứ hai với nhà đầu tư mới Toyota Motor.

Nhật Bản đang nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn, từng đứng số một thế giới, bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng để thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu.

Khách hàng Nhật Bản chiếm 6% trong tổng doanh thu 69,3 tỷ USD của TSMC vào năm 2023. Ngoài ra, các công ty Nhật Bản như Tokyo Electron và Shin-Etsu Chemical đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho TSMC các thiết bị và vật liệu thiết yếu cho sản xuất chip tiên tiến.

“Gã khổng lồ” sản xuất chip Đài Loan vào năm 2019 đã thành lập Trung tâm Thiết kế Nhật Bản tại Ibaraki để hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng gói tiên tiến, đây được xem là “chiến trường” mới của cuộc đua chip.

Nhà phân tích Brady Wang của Counterpoint Research cho biết khi thiết lập các hoạt động tại Nhật Bản, TSMC không chỉ tiếp cận được các ngành công nghiệp vật liệu và thiết bị bán dẫn tiên tiến của nước này, mà còn tăng cường quan hệ đối tác với các công ty công nghệ lớn ở Nhật Bản và trên toàn cầu.

Tuy vậy, ông Wang lưu ý mặc dù Nhật Bản cung cấp một môi trường sản xuất có rủi ro tương đối thấp, nhưng thách thức trong việc giải quyết những khác biệt về văn hóa vẫn là điều đáng lưu tâm.

TSMC cũng đang xây dựng các nhà máy ở Arizona (Mỹ) và ở Dresden (Đức).Theo truyền thông Đài Loan, đến năm 2028, hoạt động sản xuất ở nước ngoài của TSMC dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% tổng công suất sản xuất.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục