Nhà sản xuất chất bán dẫn TSMC đón nhận khoản đầu tư lớn từ Mỹ

Mỹ cung cấp khoản tài trợ lên tới 6,6 tỷ USD và khoản vay khoảng 5 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS và Khoa học để hỗ trợ khoản đầu tư hơn 65 tỷ USD của TSMC vào lĩnh vực sản xuất chip.
(Nguồn: CommonWealth Magazine)

Chính phủ Mỹ hôm 8/4 đã công bố kế hoạch cung cấp cho Công ty sản xuất Chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 11,6 tỷ USD để hỗ trợ khoản đầu tư của nhà sản xuất chip này cho ba nhà máy chế tạo ở bang Arizona (Mỹ), khi công ty này cố gắng thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Theo Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Bộ Thương mại Mỹ đã ký một thỏa thuận sơ bộ với TSMC Arizona Corporation - công ty con của TSMC, để cung cấp khoản tài trợ lên tới 6,6 tỷ USD và khoản vay khoảng 5 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS và Khoa học để hỗ trợ khoản đầu tư hơn 65 tỷ USD của TSMC vào lĩnh vực sản xuất chip.

Theo thỏa thuận không ràng buộc, TSMC Arizona đã cam kết xây dựng thêm một nhà máy thứ ba ở Arizona - một phần đầu tư sẽ giúp Mỹ đạt được mục tiêu sản xuất khoảng 20% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư của TSMC vào Arizona sẽ hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc “đưa ngành sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ,” vì các chất bán dẫn tiên tiến nhất sẽ được sản xuất tại Arizona là nền tảng cho công nghệ sẽ xác định an ninh kinh tế và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21, bao gồm AI và điện toán hiệu năng cao.

Theo Bộ trưởng Raimondo, khoản tài trợ được đề xuất này sẽ giúp chuỗi cung ứng của Mỹ an toàn hơn và tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao cho người dân Arizona.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, cam kết đổi mới của TSMC đối với Mỹ và khoản đầu tư của họ vào Arizona thể hiện một câu chuyện rộng lớn hơn về sản xuất chất bán dẫn được sản xuất tại Mỹ và với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ để xây dựng các sản phẩm mà Mỹ sử dụng hàng ngày.

Ngoài TSMC, các hãng công nghệ lớn như Intel Corp., GlobalFoundries, BAE Systems Electronic Systems và Microchip Technology Inc., cho đến nay đã được chọn là đối tượng thụ hưởng các khoản tài trợ từ Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.

Dư luận Hàn Quốc đang đổ dồn sự chú ý vào việc "gã khổng lồ" công nghệ Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ nhận được bao nhiêu tiền theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.

Theo Hãng tin Reuters hôm 8/4, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch sẽ trao từ 6 tỷ USD đến 7 tỷ USD cho Samsung vào tuần tới để hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở ở thành phố Taylor, bang Texas, bao gồm cả một nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD mà Samsung đã công bố vào năm 2021.

Samsung có kế hoạch tăng hơn gấp đôi tổng khoản đầu tư vào chất bán dẫn ở Texas lên khoảng 44 tỷ USD - một khoản đầu tư có thể ảnh hưởng đến nguồn tài trợ mà chính quyền Tổng thống Biden sẽ cung cấp cho Samsung Electronics.

Chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy sáng kiến phục hồi hoạt động sản xuất chip trong nước sau tình trạng thiếu chất bán dẫn trong đại dịch COVID-19 gây ra những lỗ hổng rõ ràng cho chuỗi cung ứng. Hiện Mỹ chỉ sản xuất chưa đến 10% số chip trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục