Nhà rường cổ Hội Kỳ cần sớm được trùng tu, bảo vệ

Nhà rường cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh (Quảng Trị) đang đứng trước nguy cơ xuống cấp hư hại, cần được quan tâm trùng tu, bảo vệ.
Nhà rường cổ Hội Kỳ cần sớm được trùng tu, bảo vệ ảnh 1Nhà rường với kiến trúc cổ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhà rường cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tồn tại hàng trăm năm nay với kiến trúc đặc sắc, độc đáo của cha ông lưu truyền lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, hiện nay nhà rường cổ Hội Kỳ đang đứng trước nguy cơ xuống cấp hư hại, cần được quan tâm trùng tu, bảo vệ.

Về thăm Hội Kỳ, dọc hai bên đường dẫn vào làng là những ngôi đình, miếu và nhà thờ của các dòng họ nghiêm trang cổ kính. Theo các tài liệu nghiên cứu để lại, làng Hội Kỳ được thành lập vào những năm cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI, có nguồn gốc từ người dân làng Hạ Cờ, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) vào đây khai khẩn, lập nghiệp.

Các ngôi nhà rường cổ còn lại hiện nay có niên đại hàng trăm năm tuổi với kiến trúc nghệ thuật đặc trưng riêng biệt gắn liền với bề dày truyền thống văn hoá vật thể cũng như phi vật thể của địa phương. Trải qua sự tàn phá sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng hầu hết các ngôi nhà cổ vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn. Thôn Hội Kỳ có 26 hộ gia đình còn nhà rường cổ, trong đó 20 nhà rường trên 100 năm tuổi và 6 nhà cổ có tuổi thọ trên vài trăm năm.

Đặc trưng của nhà rường cổ Hội Kỳ chủ yếu là 3 gian, 2 chái, có nhà lớn 5 gian 2 chái, thường làm bằng gỗ mít, hệ thống cột, kèo, bàn thờ, cánh cửa... được chạm trổ rồng, phượng và hoa văn tinh tế, cầu kì. Trong mỗi nhà đều treo các bức hoành phi, câu đối, liễn răn dạy con cháu trong nhà. Mái hiên của nhà rường cổ có độ dốc cao, cách mặt đất khoảng 2m, nhìn từ bên ngoài ngôi nhà trông có vẻ cổ kính và thon gọn nhưng khi bước vào trong lại thấy rộng rãi, thoáng mát. Bên trong mỗi ngôi nhà có các cánh cửa phân chia buồng, gian linh hoạt và đẹp mắt. Các đồ dùng sinh hoạt thờ cúng như: sập, gụ, bàn ghế, bàn thờ... trong nhà được trang trí hoa văn đồng bộ với hệ thống cột kèo. Mỗi nhà đều có một “tra” hay còn gọi là gác lửng để đựng lúa, gạo, sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong mùa mưa lũ khi nước dâng cao ngập nhà thì đây sẽ là nơi sinh hoạt tránh lũ của gia đình.

Các ngôi nhà rường cổ được lợp bằng ngói liệt 6 lớp với khoảng 10-20 vạn viên tuỳ theo kích cỡ, gian của ngôi nhà. Nhà rường cổ Hội Kỳ chủ yếu được xây dựng theo hướng Đông Nam, vừa có thể tránh gió lạnh của mùa đông lại có thể đón gió mát vào mùa hè. Thôn Hội Kỳ nằm sát bên dòng sông Ô Lâu quanh năm chảy hiền hòa, tươi mát với bao lớp phù sa màu mỡ cho người dân canh tác. Hầu hết các ngôi nhà rường cổ đều có hệ thống hàng rào cây xanh được cắt tỉa đẹp mắt và vườn cây lưu niên tạo bóng mát rất riêng đậm hồn quê. Nhìn từ xa những ngôi nhà rường cổ thấp thoáng sau rặng tre làng nằm bên bờ sông như một bức tranh thủy mạc.

Bà Dương Thị Ngọc (62 tuổi), thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, là chủ nhân của 1 trong 6 căn nhà cổ nhất làng cho biết, ngày xưa từ ngày tôi sinh ra đã có căn nhà này. Căn nhà là nơi chúng tôi lớn lên gắn liền với biết bao kỷ niệm cùng bố mẹ. Sống ở đây không khí trong lành thoáng mát, không ồn ào, tấp nập như ở thành phố. Ngôi nhà chính là kết tinh văn hoá độc đáo mà cha ông đã để lại…

Có niên đại hàng trăm năm tuổi, nhiều ngôi nhà rường cổ hiện nay đã bị hư hại nặng nhưng do vật liệu thay thế hiếm, kinh phí sửa chữa lớn, đòi hỏi thợ lâu năm lành nghề khiến nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện phải thay thế bằng các vật liệu thông dụng. Một bộ phận các ngôi nhà rường cổ thôn Hội Kỳ đã dần mất đi nét cổ kính ban đầu, thay vào đó dần được bê tông hóa với tường xi măng bao quanh, các trụ đỡ cột xi măng, ngói mới, ốp gạch men thay vì gạch nung ngày xưa.

Theo thông lệ cứ 50 năm, các nhà rường cổ lợp ngói liệt phải thay lại toàn bộ, tuy nhiên chi phí rất cao, bên cạnh đó phải đặt hàng và thuê thợ lành nghề lâu năm ở Huế mới có thể lợp theo đúng quy trình được, nên nhiều nhà thay bằng ngói lợp thường. Có nhiều nhà vì hư hại không có điều kiện sửa chữa nên phải thu gọn lại từ nhà 3 gian 2 chái xuống còn 1 gian 2 chái hoặc chỉ để lại một phần để thờ tự. Ông Dương Quang Mẫu, Bí thư Chi bộ thôn Hội Kỳ cho biết: Do chưa được tỉnh công nhận nên các nhà rường cổ thôn Hội Kỳ bị hư hại đều do người dân tự sửa chữa và bảo vệ. Hiện nhiều nhà rường cổ bị xuống cấp trầm trọng do người dân sửa chữa không đúng quy cách phá vỡ tổng thể ban đầu của ngôi nhà...

Những năm gần đây, do tình trạng khai thác cát bừa bãi trên dòng sông Ô Lâu, cùng với sự biến đổi khí hậu mưa bão liên miên khiến tình trạng sạt lở bên dòng sông tại thôn Hội Kỳ ngày càng diễn biến phức tạp. Trung bình sau mỗi mùa mưa, phần đất xói lở bị xâm thực vào đất liền sâu 1-2m, ảnh hưởng từ 4-5 ha hoa màu của người dân, có nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến đình làng, công trình giao thông, đất canh tác, nhà rường cổ... Chúng tôi có mặt tại trước nhà cổ của ông Dương Quang Mẫu nằm sát ngay bên bờ sông. Sau một trận mưa lớn vào cuối năm 2012 dòng nước đã cuốn trôi rặng tre bên bờ sông đồng thời xói sâu hơn 3 mét vào con đường bê tông trước cửa nhà ông. Lo sợ dòng nuớc sẽ xâm thực phá hủy con đường, người dân và chính quyền xã đã sử dụng cọc tre, tiến hành đổ đất để bảo vệ. Người dân Hội Kỳ đang sống trong sự lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến sẽ gây sạt lở, nguy hại đến hệ thống nhà rường cổ của thôn.

Theo ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch xã Hải Chánh, với những nét độc đáo riêng biệt của nhà rường cổ Hội Kỳ mà cha ông đã để lại, xã đã nhiều lần đề xuất kiến nghị lên cấp trên xem xét công nhận và bảo vệ hệ thống nhà rường cổ Hội Kỳ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Hầu hết công tác trùng tu, bảo vệ nhà rường cổ đều do tự thân các gia đình chủ động thực hiện. Thôn Hội Kỳ đang đứng trước các nguy cơ xói lở, xâm thực lớn sau mỗi đợt mưa lũ. Người dân rất mong thời gian tới tỉnh sớm xem xét, công nhận hệ thống nhà rường cổ thôn Hội Kỳ, từ đó hình thành làng rường cổ sinh thái liên kết phát triển tour du lịch với làng cổ Phước Tích bên kia sông của tỉnh Thừa Thiên Huế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục