Nhà nước Pháp phải bồi thường trong vụ kiện về thuốc chống động kinh

Tòa án phán quyết nhà nước Pháp phải bồi thường từ 20.000-200.000 euro cho 3 gia đình có trẻ bị dị tật, tự kỷ, chứng khó học... do người mẹ sử dụng thuốc chống động kinh Depakine khi mang thai.
(Nguồn: Reuters)

Ngày 2/7, một tòa án của Pháp phán quyết nhà nước phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân trong vụ kiện liên quan thuốc điều trị động kinh Depakine do hãng dược phẩm Sanofi sản xuất dẫn đến dị tật thai nhi.

Tòa án xác định nhà nước đã sao nhãng trách nhiệm giám sát chất lượng thuốc nói trên. Theo đó, nhà nước Pháp phải bồi thường từ 20.000-200.000 euro (22.500-225.000 USD) cho 3 gia đình khởi kiện, tùy thuộc ngày tháng năm sinh của 5 trẻ hiện trong độ tuổi từ 11-35.

Những trẻ này sinh ra đều mắc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, bệnh tự kỷ hoặc chứng khó học.

Tòa cho rằng Sanofi và các bác sỹ kê đơn thuốc Depakine cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ bê bối đến nay ảnh hưởng đến khoảng 15.000-30.000 trẻ em tại Pháp theo kết quả các nghiên cứu.

Tuy nhiên, đến nay Sanofi vẫn bác bỏ cáo buộc này.

Trong phiên tòa ngày 1/7, chuyên gia cố vấn của tòa án cho rằng giới chức y tế năm 1983 đã biết việc dùng thuốc Depakine trong thời gian mang thai có nguy cơ gây dị tật thai nhi, và từ năm 2004 đã phát hiện nguy cơ gây chứng khó học và tự kỷ.

[Hãng Sanofi bị điều tra liên quan tới thuốc chống động kinh Depakine]

Tuy nhiên, phán quyết của tòa đối với một trường hợp sinh năm 1985 trong số các trường hợp khởi kiện trên, cho rằng thuốc trên chỉ liên quan các dị tật thể chất ở trường hợp này chứ không liên quan chứng tự kỷ. Do đó, luật sư của các nạn nhân cho biết 3 gia đình đang tiến hành kháng án.

Thuốc Depakine của Sanofi có tác dụng chống co giật. Thuốc này được sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước và đang được một số công ty trên thế giới sản xuất.

Ngoài tác dụng điều trị chứng động kinh, Depakine còn được dùng để trị chứng đau nửa đầu và rối loạn lưỡng cực.

Ngoài vụ kiện trên, Sanofi cũng đang đối mặt với nhiều cáo buộc gian lận và vô tình gây thương tích trong 42 vụ kiện khác.

Theo hệ thống pháp lý của Pháp, các cáo buộc không đồng nghĩa vụ việc sẽ đương nhiên được đưa ra tòa xét xử, vì phía công tố có thể quyết định không đưa vụ việc ra tòa.

Ngoài vụ kiện trên, 500 đơn khiếu nại đã được gửi tới cơ quan quốc gia giải quyết bồi thường ở Pháp liên quan các tai biến y khoa, theo đó đòi bồi thường 6,5 triệu euro cho các nạn nhân dùng thuốc Depakine.

Sanofi đã phủ nhận mọi sai phạm, khẳng định hãng đã cảnh báo nhà chức trách y tế về những rủi ro khi dùng thuốc Depakine từ những năm 1980./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục