Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án yếu kém

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin 12 dự án thua lỗ có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng, chủ yếu các dự án đầu tư bằng vốn vay, lên đến 75%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này.

Xử lý các dự án yếu kém

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, trong số 12 dự án yếu kém của ngành, hiện bốn dự án đầu tư sản xuất phân bón gồm đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 Đình Vũ và DAP số 2 Lào Cai đang hoạt động bình thường, công suất các nhà máy đạt từ 70-80%.

Các nhà máy vận hành sản xuất ổn định với phương án sản xuất kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm (tăng sản lượng DAP 64% có chất lượng tốt để tăng khả năng cạnh tranh). Do vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, chi phí biến đổi thấp hơn giá bán từ 140.000-600.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn lỗ do các chính sách mới được áp dụng nên chưa có hiệu quả ngay.

Các chủ đầu tư cơ bản hoàn thành báo cáo quyết toán dự án đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước. Song, còn nhiều nội dung chưa thống nhất khi quyết toán với các nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), đặc biệt là dự án đạm Ninh Bình. Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC dự án này và xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đối với ba dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol), dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chưa tái khởi động được, hai dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước đang xây dựng phương án thoái vốn theo quy định.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã hoàn thành việc rút vốn 1.000 tỷ đồng vốn góp của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để bảo toàn một phần vốn nhà nước tại dự án và đang giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC, các hợp đồng thầu phụ đã ký với 14 nhà thầu Việt Nam.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt-Trung, VTM) đã thống nhất tiếp tục góp vốn để đầu tư hạng mục dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn/năm; nguồn vốn thực hiện do các bên liên doanh tự góp 30%, vay vốn thương mại 70% của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Đến ngày 26/6, VTM đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ Quý Xa 99 tỷ đồng. Từ tháng 3/2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm là 67 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nộp tổng cộng 293 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách nhà nước.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ bị thua lỗ nặng nề. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) là hết sức khó khăn. PVTex đã bị thua kiện trong vụ tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng cơ sở. Khi bản án có hiệu lực, PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc, lãi và án phí lên đến trên 73 tỷ đồng nhưng PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án, do vậy sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án và phương án khởi động lại Nhà máy hay bán, chuyển nhượng là khó khả thi.

[Bộ Công Thương đưa ra phương án xử lý 12 dự án kém hiệu quả]

Làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin 12 dự án thua lỗ có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 14.350 tỷ đồng. Chủ yếu các dự án đầu tư bằng vốn vay, lên đến 75%. Trong số đó, có sáu dự án đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm bốn dự án phân đạm, nhà máy đóng tàu Dung Quất và nhà máy thép Việt Trung.

Ba dự án đang bị dừng thi công gồm nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam và nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. 12 nhà máy lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 16.126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn lại 3.985 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp vốn chủ sở hữu âm.

“Những sai phạm, yếu kém trong quá trình đầu tư và vận hành có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thẳng thắn mà nói, chủ quan là nguyên nhân chủ yếu nhất,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ. Theo Phó Thủ tướng, “căn bệnh” chung của 12 dự án là khi lập dự án phê duyệt rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện lại rất trì trệ, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vướng mắc với nhà thầu EPC, phải điều chỉnh mức đầu tư. Có những dự án kéo dài đến nay vẫn chưa xong, làm tổng mức đầu tư tăng lên đến gần 50%.

Bên cạnh đó, khi lập phương án đầu tư và sản xuất kinh doanh, các thông số đầu vào, đầu ra rất khả quan nhưng đến khi thực tế vận hành ngược lại, chi phí đầu vào cao, đầu ra rất thấp.

Quy trách nhiệm

Đánh giá cao Tổng công ty Thép Việt Nam đã rút được trọn vẹn 1.000 tỷ đồng vốn góp của SCIC tại dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) và nỗ lực chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của bốn nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn phê bình Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trì trệ nhất trong xử lý các dự án yếu kém, khi cho rằng ba dự án ethanol và PVTex không những hầu như không có chuyển biến gì mà còn tệ đi.

“Trùm mền” là hình ảnh Phó Thủ tướng dành cho các dự án ethanol Bình Phước, Phú Thọ, trong khi dự án ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đến nay vẫn không hoạt động trở lại được, PVTex tình hình ngày càng xấu đi.

Giải trình trước Phó Thủ tướng, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn thuê luật sư cùng với chủ đầu tư PVTex để xử lý các vấn đề liên quan đến việc thi hành phán quyết của Tòa. Đồng thời, hỗ trợ PVTex trong việc xử lý để quyết toán các công việc đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ. Phương án xử lý đối với nhà máy được Tập đoàn đưa ra là khởi động lại rồi hợp tác với nước ngoài, tuy nhiên, để làm được thì phải bỏ thêm 256,3 tỷ đồng trong khi các dự án không được sử dụng vốn nhà nước nên rất khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Tập đoàn triển khai phương án định giá để đấu giá công khai và xây dựng phương án phá sản trong trường hợp xấu nhất.

“Theo phương án đã chọn thì phải bỏ thêm vốn nhà nước, không có chuyện đó, tại sao đạm Ninh Bình chạy được mà anh không chạy được?” Phó Thủ tướng truy.

Không hài lòng, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm Nhà nước không cấp vốn, Tập đoàn xử lý theo nguyên tắc thị trường. “Vay, ứng như thế nào đó là trách nhiệm của Hội đồng quản trị, của các cổ đông. Nếu không chuyển sang phương án bán đấu giá, bán đồng nát thu được đồng nào hay đồng nấy.”

Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu từng dự án phải có người chịu trách nhiệm. “Lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo của từng tập đoàn, có bao nhiêu ông chịu trách nhiệm dự án nào ghi rõ vào đây, không nói chung chung. Tại sao cũng khó khăn như vậy các tập đoàn làm được. Nói rõ có làm được hay không làm được, ai là người chịu trách nhiệm ở đây, để chúng tôi còn báo cáo cấp thẩm quyền còn xử lý,” Phó Thủ tướng cương quyết.

[Tìm giải pháp giảm bớt thiệt hại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ]

Nhấn mạnh phương hướng xử lý các dự án, nhà máy trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu bám sát Kết luận của Bộ Chính trị nhằm đạt hai mục tiêu sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước theo lộ trình hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án (kể cả bán được Nhà máy Bột giấy Phương Nam); hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này. Đồng thời xử lý nghiêm minh vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại các dự án, nhà máy trên.

Phó Thủ tướng khẳng định “kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với 2 điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy. Kiên quyết xử lý sớm vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản...”

Sốt ruột khi gần 3 tỷ USD đầu tư các dự án đang bị “chôn vùi,” không đóng góp được cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng “không phải không có lối ra, quan trọng phải hành động chi tiết, cụ thể, bài bản, phối hợp đồng bộ,” “ai không làm và làm không xong thì phải thay thế.”

“Cả Quốc hội, Chính phủ, toàn dân bức xúc, mà lãnh đạo Tập đoàn làm như không phải việc của mình. Cũng như thế mà sao các tập đoàn kia làm tốt mà tại sao các anh không chịu làm,” Phó Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo PVN; đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương họp với Tập đoàn PVN củng cố lại, phân công, phân nhiệm cụ thể, trong vài tháng tới không có chuyển biến trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục