Nhà nước cần độc quyền quản lý, khai thác và đấu giá các tài nguyên hữu hạn

"Quản lý, khai thác, bảo tồn, tái tạo là vấn đề cần được quan tâm để có nguồn khoáng sản lâu dài. Khai thác kiểu tận diệt thì khoáng sản sẽ cạn kiệt, đồng thời để lại hệ luỵ không tốt về sau..."
Hiện trường một vụ khai thác đá không phép. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là một trong bốn nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn trong đợt 1 (ngày 4/6), của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, đây là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Tài nguyên hữu hạn nên cần khai thác có kế hoạch

Về các lĩnh vực được lựa chọn để các “tư lệnh ngành” đăng đàn trả lời chất vấn đợt 1, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá đây đều là những lĩnh vực rất sát với tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu của cử tri, đặc biệt là vấn đề về môi trường đang được rất nhiều cử tri quan tâm.

Đại biểu bày tỏ mong muốn không chỉ lãnh đạo của ngành tài nguyên môi trường mà tư lệnh các ngành liên quan sẽ có những góc nhìn mới mẻ để có thêm nhiều giải pháp quản lý tốt hơn thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng các nội dung được chất vấn theo nhóm vấn đề sẽ dễ để lại dấu ấn và quan trọng đều là những nội dung được người dân quan tâm.

Bày tỏ mối quan tâm nhất dành cho lĩnh vực tài nguyên môi trường, tới sự suy thoái tài nguyên hiện nay, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc khai thác triệt để, thậm chí khai thác vô tội vạ tài nguyên biển, sông, khoáng sản, thủy hải sản, làm ô nhiễm môi trường đã và đang gây ra hệ luỵ rất lớn cho hệ sinh thái biển, môi trường sông và sự tái tạo của các loài thủy hải sản, đặc biệt môi trường bị rác thải hủy hoại.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ bên lề nghị trường. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại biểu Hòa cho biết: “Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề xâm nhập mặn và hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, việc xâm nhập mặn và hạn hán đã gây tổn hại, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Những tỉnh ven biển như Bến Tre, Tiền Giang, người dân phải sử dụng nước biển pha với nước ngọt để sinh hoạt. Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc xe từ các tỉnh miền Tây đổ dồn về Bến Tre, về Gò Công để hỗ trợ, cứu trợ nước ngọt cho bà con.”

Theo đại biểu, đây là việc chưa từng xảy ra trước đây. “Vậy nên tôi rất quan tâm đến việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hạn chế tình trạng xâm nhập mặn thế nào, cũng như việc trữ nước ngọt của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung là vấn đề cực kỳ quan trọng trong điều kiện thời tiết, khí hậu của chúng ta hiện nay; chưa kể việc nguồn nước sông, nguồn nước ngọt đang ngày càng cạn kiệt,” đại biểu Hòa bày tỏ.

Đấu giá khoáng sản: Nhà nước phải độc quyền

Đấu giá quyền khai thác khoảng sản nhằm tăng thu ngân sách nhà nước là một trong những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm thời gian qua. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng các loại khoáng sản đều cần được đấu giá và Nhà nước phải độc quyền quản lý như tài nguyên dầu, tài nguyên khí, titan, sắt, than…

“Tất nhiên, Nhà nước phải hợp tác với các đối tác để cùng khai thác tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất. Bởi những tài nguyên của chúng ta vô cùng quý giá, không tái tạo được, là hữu hạn chứ không phải vô hạn nên cần phải khai thác có kế hoạch, có tích trữ để sau này con cháu còn được hưởng những nguồn tài nguyên đó,” đại biểu Hòa nói.

Với những loại tài nguyên cần hợp tác, đấu giá, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Nhà nước phải có danh mục cụ thể, cái nào cần Nhà nước làm thì Nhà nước làm, cái nào tư nhân làm được thì để tư nhân triển khai. Tuy nhiên, Nhà nước phải quản lý vô cùng chặt chẽ.

Kho dự trữ xăng dầu của PVOil. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Quản lý, khai thác, bảo tồn, tái tạo là vấn đề cần được quan tâm, chú ý để nguồn khoáng sản của chúng ta còn tồn tại lâu dài. Nếu khai thác kiểu tận diệt thì đến lúc khoáng sản sẽ cạn kiệt, đồng thời để lại hệ luỵ không tốt về sau.”

Trong khi đó, cùng bàn về việc thu ngân sách từ đấu giá khai thác khoáng sản sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng việc đánh giá kết quả thu ngân sách từ đấu giá khai thác khoáng sản sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản chưa được toàn diện.

“Cần có đánh giá kỹ hơn trong thời gian tới để tránh thất thu thuế khai thác khoáng sản cũng như tạo điều kiện phát huy được việc khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường tốt hơn trong thời gian tới,” đại biểu Bùi Xuân Thống nói./.

Theo chương trình dự kiến, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đợt 1 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4-6/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục