Nhà ngoại giao Thái mê sáng tác tranh sơn mài Việt

Các tác phẩm tranh sơn mài của Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP. HCM chính là sự pha trộn hài hòa, tinh tế của 2 nền văn hóa.
Tối 8/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Triển lãm mỹ thuật “Mưa vàng” giới thiệu 21 tác phẩm tranh sơn mài của Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Panpimon Suwannapongse.

Cuộc triển lãm đặc biệt này dự kiến kéo dài đến hết ngày 16/6. Ngoài các tác phẩm của nhà ngoại giao Thái Lan, công chúng cũng được thưởng lãm 15 tác phẩm tranh sơn mài của họa sỹ Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và lần thứ hai ở Việt Nam, nhà ngoại giao Thái Lan giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sơn mài của mình với công chúng.

Trong các tác phẩm của mình, bà Panpimon Suwannapongse sử dụng mọi chất liệu từ bùn đất, cát, vỏ ốc, tiền xu, bạc, vàng và bất cứ vật gì có hình dạng bắt mắt để tạo sự sinh động cho những bức tranh sơn mài của mình.

Là một nhà ngoại giao luôn bận rộn nhưng vì đặc biệt tình yêu với tranh sơn mài Việt Nam quá lớn, nhà ngoại giao Thái Lan luôn tranh thủ thời gian rãnh rỗi vào các ngày nghỉ để sáng tác.

Bà Suwannapongse chia sẻ trước khi đến Việt Nam làm việc, bà không hề nghĩ mình sẽ học và sáng tác tranh sơn mài Việt Nam. Yêu thích hội họa từ khi còn nhỏ, bà Suwannapongse bắt đầu thực hiện sở thích của mình bằng việc vẽ tranh sơn dầu.

Khi nhận công tác tại Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội năm 2004, bà đã bắt đầu học cách làm tranh sơn mài Việt Nam với họa sỹ Nguyễn Quốc Cường.

Mặc dù tham gia vào ngành ngoại giao từ năm 1980, nhưng tình yêu hội họa của vị Tổng lãnh sự không hề phai nhạt trước muôn vàn công việc bận rộn. Bà cho biết: “Làm tranh sơn mài Việt Nam rất công phu, thể hiện sự kiên nhẫn và một tâm hồn bay bổng."

Tình yêu dành cho tranh sơn mài Việt càng cháy bỏng khi bà tiếp tục có sự gặp gỡ với họa sỹ sơn mài Nguyễn Xuân Việt, bà Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, bà đã đảm nhận vị trí Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vẽ tranh sơn mài trong những phút giây rãnh rỗi hiếm hoi cũng là một trong những cách giúp nhà ngoại giao này thư giãn. Đến nay, bà đã có 22 tác phẩm sơn mài được thực hiện rất công phu.

Một trong những lý do khiến bà Suwannapongse yêu thích vẽ tranh sơn mài Việt Nam là bà có thể sáng tác một bức tranh trong nhiều ngày và “tôi cảm thấy sơn mài Việt là chất liệu tốt nhất cho tôi thể hiện văn hóa Thái Lan và tình yêu đất nước trong những tác phẩm của mình.”

Nhiều người nói việc vẽ tranh của bà cũng là một cách làm ngoại giao, thông gia việc giao lưu văn hóa.

Khác với nhiều tác giả khác, “họa sỹ" Panpimon Suwannapongse quan niệm rằng mỗi bức tranh khi được treo trong nhà hay bất cứ ở đâu cũng đều phải mạng lại sự vui vẻ và yên bình trong tâm hồn của từng người xem.

Trong tranh, bà sử dụng nhiều đồng xu tiền Thái có in hình đức Vua để thể hiện sự tôn kính Ngài. Việc sử dụng bạc và vàng vào những tác phẩm của bà cũng không nằm ngoài mục đích trên.

“Mặc dù tôi thể hiện văn hóa Thái trong tranh, nhưng khi tôi dùng sơn mài của Việt Nam để vẽ tranh, điều đó cũng có nghĩa tôi thể hiện tình yêu với văn hóa ở đất nước mà tôi đang làm việc.”/.

 
Nhật Trường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục