Với sự phục hồi sản xuất trong tình hình mới, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất từ tối thiểu lên 85% vào ngày 22/9 và hiện đang vận hành ở 100% công suất.
Theo Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc tăng công suất của nhà máy tại thời điểm này nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao của dầu diesel.
Với việc chủ động tăng công suất vận hành, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, linh hoạt trong chính sách bán hàng của BSR cũng như các nhà kinh doanh xăng dầu sẽ đảm bảo nguồn cung trong nước, hạn chế các trường hợp trục lợi, đầu cơ, găm hàng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất trở lại ngay sau đại dịch.
Tuy nhiên, BSR cũng cho biết việc tăng công suất này cũng đặt ra những thách thức cho BSR khi mức độ phục hồi tiêu thụ xăng dầu còn chậm nên dự kiến trong các tháng cuối năm việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng đó, trước dự báo về một mùa đông lạnh, hoạt động khai thác dầu ở Bắc bán cầu sẽ chịu tác động tiêu cực, thị trường dầu mỏ được dự báo có nhiều diễn biến khó lường và có xu hướng tăng.
Những ngày đầu tháng 10, giá dầu Brent đã chạm mốc 82 USD/thùng, mức cao nhất 3 năm qua.
Kết hợp với nhu cầu tăng nhanh và tăng cao sau đại dịch ở các nền kinh tế đã mở cửa, đẩy giá dầu thế giới có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Vì vậy giá dầu thô đầu vào cao cũng sẽ là một thách thức khác đối với BSR trong việc duy trì giá thành sản xuất sản phẩm xăng dầu đầu ra ở mức hợp lý.
Để vượt qua thách thức này, cùng với việc triệt để tiết giảm chi phí, BSR đã triển khai các giải pháp quản trị biến động như tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, huy động các kho ngoài nhà máy để tăng dung tích chứa sản phẩm.
Công ty cũng ban hành các chính sách kích cầu bán sản phẩm để tránh tồn kho xăng dầu tăng cao, đảm bảo quay vòng vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả./.