Nhà máy giấy tỷ USD khẳng định dùng xút trong sản xuất với số lượng ít

Chiều 1/11, đại diện Công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, trong hoạt động sản xuất giấy bao bì, công ty có sử dụng xút nhưng với số lượng rất ít.
Một đoạn sông Hậu. (Nguồn: Vietnam+)

Trước thông tin lo ngại sau khi hoạt động, nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có thể gây “bức tử sông Hậu,” chiều nay (1/11), công ty này đã tổ chức buổi họp báo giải đáp các thông tin liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội).

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc điều hành Công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều người đã e ngại dự án đầu tư của Lee & Man sẽ có tác động xấu tới môi trường. Trong đó, nhiều thông tin phản ánh chưa chính xác đã ảnh hưởng đến uy tín của công ty.

Theo ông Patrick Chung, thông tin cho rằng Lee & Man Việt Nam sử dụng một lượng xút (NaOH) rất lớn để sản xuất giấy tái chế trong thời gian qua là không đúng, bởi nếu sản xuất bột giấy mới cần nhiều xút và các loại hóa chất khác.

“Ở đây, chúng tôi xây dựng nhà máy sản xuất giấy. Hiện nhà máy giấy bao bì đang ở giai đoạn cuối của quá trình xây dựng, chưa bắt đầu sản xuất. Do đó, thông tin Lee & Man Việt Nam thải ra một lượng xút lớn là không đúng,” ông Patrick Chung nói.

Mặc dù vậy, ông Patrick Chung cũng thừa nhận, đối với sản xuất giấy bao bì, công ty có sử dụng xút nhưng với số lượng rất ít. Lượng sút này chỉ được dùng trong một loại sản phẩm, chủ yếu là để điều chỉnh độ PH (chỉ số đo độ hoạt động của các ion hiđrô) cho phù hợp.

“Lượng xút đó khi sử dụng đều được trung hòa rồi. Tất cả công ty sản xuất giấy không thể để thải xút ra môi trường,” ông Patrick Chung nói.

Như vậy, trả lời câu hỏi của báo chí, Tổng Giám đốc điều hành Công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam có khẳng định có sử dụng xút trong quá trình sản xuất giấy, nhưng lượng xút được sử bao nhiêu thì ông không đưa ra con số cụ thể.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhà máy sản xuất giấy đã được phê duyệt chưa? Ông Patrick Chung cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cấp từ năm 2008 cho cả nhà máy giấy và nhà máy bột giấy, và hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Lee& Man mới chỉ tiến hành xây dựng nhà máy giấy với công suất 200.000 tấn/năm còn nhà máy bột giấy chưa tính đến.

“Việc tách riêng báo cáo ĐTM của nhà máy giấy bao bì hiện đang được hoàn tất và sẽ sớm trình cho cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng hy vọng báo cáo này sẽ sớm được phê duyệt,” ông Patrick Chung nhấn mạnh.

Về vấn đề xử lý nước thải, ông Patrick Chung cho biết, đã đưa toàn bộ thiết kế cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định. Các công ty sản xuất giấy hàng đầu trên thế giới cũng sủ dụng các công nghệ tương tự. Mới đây, đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đến kiểm tra hiện trạng.

Trước đó, ngày 1/7, Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam. Trong ngày làm việc đầu tiên, đoàn thanh tra đã xem xét các hồ sơ liên quan đến dự án nhà máy giấy và bột giấy, trực tiếp kiểm tra hàng loạt hạng mục của dự án như nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải...

Nhà máy Giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) được xây dựng tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.

Năm 2007, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án gắn với việc thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có văn bản xin ý kiến từ các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường… và được chấp thuận.

Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam bao gồm 2 hạng mục chính: nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm. Năm 2007, dự án này đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường và được Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành cấp giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường cho cả hai hạng mục…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục