Ngày 8/12, Nhà máy sản xuất càphê hòa tan Tín Nghĩa, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) được đưa vào hoạt động. Đây là nhà máy chế biến sâu về càphê có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với công suất 10.000 tấn/năm.
Giai đoạn 1 của Nhà máy sản xuất càphê hòa tan Tín Nghĩa có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất 3.200 tấn. Đến năm 2019 công suất nâng lên 5.000 tấn và năm 2021 nhà máy sẽ đạt công suất 10.000 tấn càphê hòa tan và càphê rang xay; tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến càphê hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm FSSC 22000. Sản phẩm chủ lực là càphê rang xay và càphê hòa tan hỗn hợp.
Đặc biệt, Nhà máy càphê hòa tan Tín Nghĩa lần đầu tiên sử dụng công nghệ sấy lạnh (Freezed Dried). Đây là công nghệ tiên tiến trên thế giới. Công nghệ sấy lạnh giúp giữ lại toàn bộ chỉ tiêu cao nhất về chất lượng và các phẩm chất về hương tự nhiên của càphê.
Ông Quách Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Tín Nghĩa cho biết, sản phẩm càphê của nhà máy phần lớn sẽ được tiêu thụ, xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời gian qua, sản phẩm càphê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là càphê thô. Việc đưa vào hoạt động nhà máy càphê chế biến sâu của Tín Nghĩa sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu của càphê Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển chung của thị trường càphê nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Càphê Ca cao Việt Nam, hiện nay càphê đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước, 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.
Ông Hải cho biết, đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất càphê hòa tan, càphê rang xay của Việt Nam sẽ đạt 25% sản lượng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 3,8-4,2 tỷ USD./.