Nhà mạng viễn thông ứng phó ra sao trước 'siêu bão' Yagi?

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt của các nhà mạng, thông tin liên lạc sẽ được đảm bảo thông suốt, an toàn trước, trong và sau cơn bão số 3 mang tên Yagi.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)

Nhằm chuẩn bị đối phó với cơn bão số 3 (có tên quốc tế Yagi), các nhà mạng đang ráo riết lên kế hoạch ứng trực, chuẩn bị và có phương án xử lý sự cố nếu có phát sinh.

Chia sẻ với VietnamPlus, Tổng công ty Viễn thông MobiFone thông báo đang tích cực chuẩn bị cả về nhân lực và vật lực, sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão và ứng cứu thông tin trước siêu bão Yagi.

Để chủ động đối phó với những ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể gây ra, MobiFone đã khẩn trương rà soát, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các nội dung để sẵn sàng ứng phó với bão.

Tổng công ty đã thống nhất phương án phòng chống bão, thực hiện theo nguyên tắc “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - phương tiện, vật tư tại chỗ - hậu cần tại chỗ), “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và hiệu quả); Lập đoàn kiểm tra trực tiếp công tác phòng chống bão tại các địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Về việc triển khai kiểm tra an toàn cơ sở mạng lưới, MobiFone đã tiến hành rà soát toàn bộ phương án phòng chống bão đã xây dựng, đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an toàn mạng lưới kỹ thuật và kinh doanh; Kiểm tra 100% cơ sở hạ tầng nhà trạm (đặc biệt là cột cao) những khu vực trọng điểm ven biển, trạm Node tại những tỉnh nằm trong vùng tâm bão (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình); Đổ nhiên liệu, đảm bảo 100% máy phát điện dự phòng sẵn sàng hoạt động trong trường hợp mất điện lưới; Thực hiện kiểm tra an toàn cơ sở hạ tầng các chi nhánh, cửa hàng kinh doanh, nhà trạm tại các điểm nguy cơ bị ngập lụt cục bộ; Sẵn sàng máy phát điện ứng cứu phục vụ công tác kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

z5806993596073_b9549294a71586725becea860b64d3cf.jpg
Tổng công ty MobiFone đã thống nhất phương án phòng chống bão, thực hiện theo nguyên tắc “Bốn tại chỗ." (Ảnh: MobiFone)

Bên cạnh đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã xây dựng phương án kỹ thuật nhằm ứng phó tối đa với siêu bão Yagi: Tổ chức trực giám sát 24/7 mạng lưới các tỉnh được xác định bão đổ bộ; Rà soát đánh giá năng lực dự phòng tất cả các tuyến/hướng truyền dẫn trục, Metro; Phương án xử lý ứng cứu trong trường hợp có sự cố; Sẵn sàng phương án mở Roaming với các nhà mạng khác, nhắn tin đến thuê bao khi có yêu cầu.

Về nhân lực, MobiFone bố trí trực ban chỉ huy các cấp và 100% nhân lực sẵn sàng ứng cứu thông tin kỹ thuật và kinh doanh.

Trong khi đó, nhà mạng Viettel đã chuẩn bị về nhân sự, tài nguyên, vật tư ứng cứu thông tin, củng cố trạm và mạng truyền dẫn.

Về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu, trong ngày 6/9 Viettel đã hoàn thành bố trí hơn 6.500 nhân sự tại các vị trí nhà trạm đến từng huyện ở 14 tỉnh miền Bắc để sẵn sàng khắc phục các sự cố do bão. Viettel đã điều động thêm 117 đội ứng cứu thông tin đến các tỉnh dự kiến bị ảnh trưởng trực tiếp bởi bão Yagi là Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và tiếp tục bổ sung 300 đội trong những ngày tới.

Về đảm bảo tài nguyên điện vận hành, Viettel đã đảm bảo hơn 2.200 máy phát điện tại 4 tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh) và hơn 3.600 máy tại 10 tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão.

58eba7e84808ef56b619.jpg
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)

Toàn bộ các vị trí có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt đều đã được chuẩn bị về nhân sự, tài nguyên cơ điện, nhiên liệu để khắc phục sự cố khi cần.

Về vật tư, Viettel đã đảm bảo dự trữ cáp quang, măng xông dự phòng tại các kho cấp huyện và tỉnh/TP sẵn sàng sử dụng khi cần. Máy hàn, máy đo đã đảm bảo cho 14 tỉnh, mỗi cụm/huyện tối thiểu 01 bộ máy đo/máy hàn truyền dẫn (với 205 bộ máy đo, 197 bộ máy hàn truyền dẫn) và 203 bộ máy hàn sử dụng cho băng rộng cố định. Viettel cũng sẵn sàng các điện thoại vệ tinh tại các tỉnh bị ảnh hưởng để liên lạc xử lý tình huống trong bão. Phần mềm phòng chống thiên tai đã được cập nhật CSDL, phương án ứng cứu theo các các kịch bản bão.

Từ đầu năm 2024, Viettel đã triển khai chương trình củng cố phòng chống thiên tai, bao gồm Siết khóa cáp, củng cố nhà trạm, nâng thiết bị cho các trạm có nguy cơ ngập lụt, củng cố cột, tuyến cáp, bảo dưỡng tuyến viba, các giải phải bảo vệ cáp truyền dẫn liên tỉnh và đảm bảo các huyện có hướng cáp kiên cố.

Về phương án ứng cứu đối với mạng truyền dẫn, Viettel đảm bảo 51 link dự phòng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, bổ sung đường trục kết nối mạng Đông Bắc và Tây Bắc 2 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng, để định tuyến lưu lượng liên vùng khi xảy ra cô lập tỉnh.

Viettel cắt cử nhân sự ứng trực tại 18 điểm xung yếu trục quốc gia, 49 điểm trục liên tỉnh, 268 trục liên huyện, đảm bảo công dụng cụ vật tư cáp dự phòng.

Viettel nhắn tin thông báo tình hình bão và khuyến cáo khách hàng tại 14 tỉnh.

Viettel điều chuyển thiết bị ứng cứu thông tin đảm bảo dịch vụ khách hàng: Đảm bảo 34.500 chiếc thiết bị bảo hành/ứng cứu. Trong đó: Modem/ONT: 7.021 chiếc, Home WIFI: 7.925 chiếc; Truyền hình 17.893 (Settop box 2C: 2.639 chiếc, Android TV: 15.254 chiếc), Home Camera: 1.333 chiếc, Vtracking: 142 chiếc.

Từ ngày 5/9, Viettel bổ sung quân số chăm sóc khách hàng để giải đáp, phản hồi khi xảy ra các tình huống cần hỗ trợ tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Trong trường hợp khách hàng cố định băng rộng bị lỗi chưa kịp khắc phục, Viettel tặng 14G data ứng cứu tạm thời. Viettel dùng call bot thông báo khách hàng khi sự cố gián đoạn thông tin được khắc phục, đảm bảo khách hàng nắm thông tin để sử dụng dịch vụ.

Về phía VNPT, đại diện tập đoàn này cho biết, để chủ động ứng phó bão số 3, đặc biệt là tình hình mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn các tỉnh, tập đoàn VNPT đã yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin, tổ chức triển khai các phương án ứng phó bão và tình hình mưa lũ sau bão.

VNPT hiện đã chủ động kiểm tra rà soát cơ sở hạ tầng mạng lưới, hạ tải trọng cho các cột anten có nguy cơ gây mất an toàn. Nhà mạng này cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dự phòng, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại thông tin và tài sản.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của VNPT tại các vùng ảnh hưởng của bão là đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền, đồng thời phối hợp Cục Bưu điện trung ương, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)... đảm bảo thông tin liên lạc cho Sở chỉ huy tiền phương của Chính phủ và các bộ ngành.

Hiện các đơn vị của VNPT đã triển khai xe phát sóng lưu động tại Hải Phòng, Lạng Sơn và Nghệ An. VNPT cũng đã lên phương án điều động bổ sung thêm xe phát sóng lưu động, phân bổ vật tư dự phòng để sẵn sàng ứng cứu thông tin. Nhà mạng cũng tăng cường lực lượng trực “Onsite” tại trạm viễn thông, bố trí mỗi đài viễn thông 1 đến 2 đội sẵn sàng ứng cứu.

Trên thực tế, VNPT các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 như Hải phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá... đang thực hiện hạ tải trọng cho hơn 250 cột anten tại các vị trí xung yếu để đảm bảo an toàn.

VNPT cũng đã cho rà soát các phương án an toàn thông tin, sẵn sàng kết nối roaming với các mạng di động khác khi có yêu cầu và triển khai phương án phát sóng di động qua VSAT-IP (dịch vụ vệ tinh) tại Mường Lát (Thanh Hóa) để ứng cứu thông tin trong các tình huống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục