Nhà mạng viễn thông khẩn trương khắc phục hậu quả sau 'siêu bão' Yagi

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, các nhà mạng đang khẩn trương tiến hành các phương án khắc phục hậu quả sau bão, cam kết nỗ lực hết sức để duy trì kết nối, thông tin liên lạc của người dân.

(Ảnh: Viettel)
(Ảnh: Viettel)

Sau hơn 15 tiếng vào đất liền Việt Nam, đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, bão Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ, nhưng tiếp tục gây mưa to làm lũ dâng cao. Tuy nhiên, thiệt hại do "siêu bão" này gây ra rất lớn.

Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết bão số 3 khiến 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh bị đứt, không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc do đã có dự phòng. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng khác lại bị thiệt hại không nhỏ với việc 27 cột thu phát sóng (BTS) bị gãy, đổ; 6.285 vị trí BTS bị mất liên lạc do mất điện. Tại thời điểm cao điểm của bão số 3 ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nhiều thuê bao bị gián đoạn dịch vụ.

Ngay trong sáng ngày 8/9, các nhà mạng viễn thông đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả sau bão đồng thời hỗ trợ người dân giúp hoạt động liên lạc được thông suốt.

Đại diện MobiFone cho biết đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật lập tức tỏa đi các điểm nóng để kịp thời ứng cứu thông tin, phục vụ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão.

Bên cạnh đó, các cán bộ nhân viên MobiFone cũng đang nỗ lực để nhanh chóng thiết lập các điểm hỗ trợ, sử dụng máy phát điện giúp người dân sạc các loại đèn, điện thoại, pin dự phòng nhằm đảm bảo liên lạc cho người dân trong trường hợp mất điện kéo dài.

z5809078242886_756519d1a611a3640113da44d4bef0bc.jpg
Nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật MobiFone đã lập tức tỏa đi các điểm nóng để kịp thời ứng cứu thông tin, phục vụ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão. (Ảnh: MobiFone)

Trước đó, từ thời điểm bão đổ bộ, để phục vụ khách hàng tại các vùng chịu ảnh hưởng của bão, MobiFone và các nhà mạng khác đã phối hợp hỗ trợ khách hàng khi sử dụng dịch vụ, đảm bảo giữ liên lạc thông suốt. Từ chiều ngày 6/9 đến xuyên suốt thời gian chịu ảnh hưởng của bão, Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Bắc đã tập trung tối đa lực lượng ứng cứu, điều động từ tất cả các địa bàn khác về khu vực trọng điểm. Không chỉ đội ngũ anh em kỹ thuật, các nhân viên trả lời khách hàng cũng giữ vững vị trí, trực 24h hoàn thành nhiệm vụ trả lời khách hàng của mình.

Xác định bão Yagi là cơn bão rất mạnh, trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, Tập đoàn VNPT đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bão: Kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, nâng cao độ vững chắc cho các tuyến cáp quang liên tỉnh; điều chuyển bổ sung, bố trí đầy đủ vật tư dự phòng; rà soát, kiểm tra các Phương án An toàn thông tin trên toàn mạng lưới; gia cố nâng cao độ vững chắc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp với gần 1000 cán bộ kỹ thuật tại 63 tỉnh/thành phố, 225 xe ứng cứu thông tin, 623 máy nổ lưu động. Nhờ vậy, những biện pháp này đã giúp giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Tại hai địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh, toàn bộ cán bộ công nhân viên đều đang trên mạng lưới xử lý sự cố nhằm phục hồi sớm nhất có thể. Tập đoàn VNPT đã điều động gần 200 nhân lực kèm theo công cụ, dụng cụ hỗ trợ cho Quảng Ninh, Hải Phòng.

VNPT hỗ trợ sạc pin điện thoại cho người dân.jpg
VNPT hỗ trợ sạc điện thoại miễn phí cho người dân. (Ảnh: VNPT)

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão, VNPT đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, nhờ vậy cơ bản khôi phục ngay, đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động VinaPhone trong bão. Tại Quảng Ninh, dự kiến đến trưa nay (8/9), VNPT sẽ xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh.

Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân vật lực. Nhưng với việc huy động hàng trăm CBCNV từ các đơn vị lân cận cùng toàn bộ của VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, dự kiến cũng sẽ sớm khôi phục liên lạc trên địa bàn thành phố.

Đại diện Viettel cho biết đã thiết lập 200 điểm sạc pin để phục vụ khách hàng. Viettel cũng đang dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất trên 63 tỉnh/thành phố để tập trung ứng cứu trực tiếp do ảnh hưởng của bão Yagi. Hiện tại, đã có gần 500 đội ứng cứu trực tiếp được tăng cường cho các tỉnh, quân số kỹ thuật ứng cứu thông tin cho bão Yagi lên gần 8.000 người. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất cho khách hàng.

Các đội chăm sóc khách hàng lưu động cũng lập tức ra quân để hỗ trợ cá nhân và các hộ gia đình bị gián đoạn thông tin. Gần 200 điểm sạc pin đã được chuẩn bị thiết bị và nguồn điện sẵn sàng phục vụ nhân dân 24/24 giờ.

661a860e6dfbcaa593ea.jpg
Viettel hỗ trợ tối đa cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão. (Ảnh: Viettel)

Đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã hết số dư được Viettel cung cấp 20 ngàn đồng trong tài khoản để tiêu dùng tạm thời, các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau chưa thanh toán cước vẫn tiếp tục được duy trì liên lạc.

Trong thời gian khắc phục sự cố sau bão, người dân vùng bão được cộng thêm 30% giá trị thẻ nạp khi nạp qua nền tảng số. Khách hàng dùng dịch vụ cố định băng rộng bị sự cố sẽ được cho mượn thiết bị và dùng gói 0 đồng tạm thời.

Cùng với huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống cơn bão Yagi, Viettel đã tăng cường ứng dụng công nghệ, giúp phát hiện và điều hành củng cố kịp thời các vấn đề của mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ người dân.

Ứng dụng Phòng chống thiên tai do Viettel làm chủ thiết kế và phát triển, cập nhật tự động tình trạng mạng lưới theo thời gian thực. Thay vì phải có lực lượng nhân sự tổng hợp thủ công qua nhiều lớp, dữ liệu toàn bộ các vị trí trạm phát sóng, nhân sự, phương tiện, vật tư… được cập nhật tự động hoàn toàn từ tuyến đầu đến người chỉ huy cao nhất. Sự đồng bộ, chính xác dữ liệu nhờ phần mềm đóng góp vào quá trình khôi phục dịch vụ khách hàng được nâng cao 30% so với trước kia.

Khả năng trực quan hóa của phần mềm cũng giúp nâng cao công tác phán đoán, suy xét tình hình để đưa ra hướng phương án xử lý sát với thực tế. Bên cạnh đó, ứng dụng thực hiện nhiệm vụ điều động hỗ trợ, chuẩn bị và vận chuyển máy phát điện, ắc quy, xăng đầu được điều phối thông suốt, đảm bảo đúng tiến độ.

Trong 24 giờ qua, ứng dụng Phòng chống thiên tai của Viettel đã đảm bảo vận hành máy phát điện cho 1.400 vị trí trạm phát sóng di động, hỗ trợ khắc phục gián đoạn thông tin cho 650 vị trí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục