Ngày 12/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng những thỏa thuận mà ông đã đạt được với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ mang lại "những trái ngọt” và tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và truyền thống giữa hai nước.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin trong thông điệp chúc mừng gửi tới Tổng thống Putin nhân dịp Quốc khánh Liên bang Nga, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh hai nước có “trách nhiệm chung” trong việc “nâng truyền thống hữu nghị quý báu trong nhiều thế kỷ lên một tầm cao mới.”
Đề cập tới hội nghị thượng đỉnh Triều-Nga hồi tháng Tư vừa qua, ông Kim Jong-un đánh giá đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương và "mở ra một trang sử mới" trong quan hệ Triều Tiên-Nga.
[Triều Tiên và Nga nâng mối quan hệ kinh tế, thương mại lên tầm cao mới]
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng sự hiểu biết chung và những thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp, qua đó tiếp tục thúc đẩy và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nga hồi tháng Tư vừa qua để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo và cũng là hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều lần đầu tiên trong vòng tám năm qua, kể từ sau khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thăm Nga năm 2011.
Triều Tiên đã tìm cách mở rộng trao đổi với các nước láng giềng, trong đó có Nga, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt dường như vẫn sẽ được duy trì và ngăn cản nỗ lực tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên do có ít tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Tiến trình đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng Hai vừa qua. Do hội nghị không đạt thỏa thuận, Bình Nhưỡng được cho đã có những bước đi cứng rắn hơn như phóng các vật thể tầm ngắn vào vùng biển phía Đông, động thái được xem là chiến thuật nhằm gây sức ép, buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay./.