Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham: Nơi lưu dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Di tích Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trong giai đoạn khoảng những năm 1939-1940, với bí danh Hồ Quang.
Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham: Nơi lưu dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam vào thăm căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại Khu di tích Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham tại thành phố Trùng Khánh. (Ảnh: Tiến Trung/TTXVN)

Khu Di tích Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham tại thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc là nơi trưng bày và lưu trữ nhiều hiện vật về những hoạt động cách mạng trước đây của các nhà lãnh đạo Cộng sản như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai của Trung Quốc và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Nơi đây hiện thu hút rất nhiều du khách đến tham quan để tìm hiểu về lịch sử cách mạng và cũng là một địa chỉ đỏ đối với người Việt Nam ở Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, tại khu di tích này hiện vẫn còn một căn phòng nhỏ trên tầng 2 từng là nơi Bác Hồ sống và hoạt động trong giai đoạn khoảng những năm 1939-1940 tại Trung Quốc, với nhiều vật dụng đơn sơ như một chiếc giường đơn, một bộ bàn ghế làm việc, giá sách và một vài đồ vật khác.

Bên ngoài căn phòng có treo một khung ảnh trên đó có ảnh Bác Hồ và một chiếc máy đánh chữ mà người từng thường xuyên sử dụng.

[Vladivostok - Thành phố ghi đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Theo ghi chép của phía Trung Quốc, khi hoạt động tại Trùng Khánh với bí danh Hồ Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh đặt tại thôn Hồng Nham. Lúc bấy giờ, nhiều đồng chí Cộng sản Trung Quốc chỉ biết đến một người đồng chí mang bí danh Hồ Quang, chứ không biết rằng Người là đồng chí của Đảng anh em.

Lần nào đến đây, Bác cũng ở tại gian buồng nhỏ ở tầng trên của văn phòng. Trong ấn tượng của những người Cộng sản Trung Quốc khi đó, đồng chí Hồ Quang luôn ăn mặc rất giản dị trông như một thầy giáo ở vùng nông thôn. Người luôn mang theo máy đánh chữ bên mình và thường đánh máy chữ trong phòng.

Bấy giờ, gần địa điểm làm việc của “Bát biện” Trùng Khánh có một cây cổ thụ, người chiến sỹ có bí danh Hồ Quang rất thích nghỉ ngơi và đi bách bộ dưới bóng cây ấy. Vì Người đến với cương vị bí mật, thường là đồng chí Chu Ân Lai trực tiếp liên hệ, nên rất ít người trong số những người Cộng sản Trung Quốc được biết hoạt động của Bác.

Đến tham quan Khu di tích Nhà Kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham, thăm căn phòng nhỏ đơn sơ nơi Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, mỗi một người Việt Nam đều cảm thấy tự hào và xúc động khi được biết thêm nhiều thông tin chi tiết quý báu về một phần quãng đời hoạt động của Người.

Từng đồ vật trong căn phòng lịch sử này đều gợi nhớ cho du khách tham quan về một thời hoạt động đầy gian khó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng Việt Nam, gợi nhớ về nếp sống đơn sơ thể hiện phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục