Nhà khoa học Indonesia đánh giá cao chương trình bảo tồn sinh thái của Việt Nam

Nhà nghiên cứu Mohd Yunus Mohd, đến từ Indonesia, khẳng định chương trình Chi trả cho dịch vụ lưu vực sông của Việt Nam là ví dụ tuyệt vời về quản lý tài nguyên bền vững.
Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thu hút nhiều sếu đầu đỏ về trú ngụ. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 24/12, Viện Lowy của Australia đăng tải nhận định của nhà nghiên cứu Mohd Yunus Mohd, đến từ Indonesia và hiện theo học chương trình thạc sỹ khoa học sinh học tại Đại học Khon Kaen (Thái Lan), cho rằng châu Á là một khu vực quan trọng đối với những loài di cư vốn đang bị suy giảm một cách đáng báo động.

Trong đó, nhà nghiên cứu khẳng định chương trình Chi trả cho dịch vụ lưu vực sông của Việt Nam là ví dụ tuyệt vời về quản lý tài nguyên bền vững.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bài viết dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm nay cảnh báo rằng 1 trong 5 loài di cư trên thế giới được bảo vệ theo một công ước toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, 97% các loài cá được liệt kê theo Công ước về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư đang phải đối mặt với sự biến mất hoàn toàn. Nhiều loài trong số này sinh trưởng hoặc di cư qua khu vực Đông Nam Á.

Một ví dụ điển hình là cá tra dầu khổng lồ trên sông Mekong, một trong những loài nước ngọt lớn nhất thế giới và là "huyền thoại sống" của con sông này.

Hàng năm, loài cá này thực hiện một cuộc di cư đáng chú ý, khi vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, chúng di chuyển từ các hồ ở hạ lưu Việt Nam, bơi ngược dòng để sinh sản ở Campuchia, Lào và Thái Lan.

Một báo cáo gần đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên chỉ ra rằng sự suy giảm mạnh về số lượng cá tra dầu khổng lồ sông Mekong là do môi trường sống bị phá hủy, các hoạt động không bền vững, các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu và các con đập để phát điện.

Các loài chim di cư cũng đang phải đối mặt với mối nguy hiểm đặc biệt. Hàng triệu con chim phụ thuộc vào Đường bay Đông Á-Australia mỗi năm, một tuyến đường quan trọng trải dài qua gần 20 quốc gia, từ vùng Viễn Đông của Nga và Alaska qua Đông Nam Á đến Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia châu Á đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể 42% số lượng chim di cư trên khắp khu vực.

Tại Đông Nam Á, các vùng đất ngập nước ven biển và rừng ngập mặn bị hy sinh để nuôi trồng thủy sản, đô thị hóa và nông nghiệp.

Bờ biển phía Đông Sumatra của Indonesia, nơi trú ẩn của các loài chim di cư, đã mất hơn 80% diện tích rừng ngập mặn.

Đã có nhiều cảnh báo nghiêm trọng được gióng lên. Cá heo Irrawaddy, cá sấu Xiêm và voi châu Á đều phải đối mặt với những mối đe dọa lớn do hành động của con người. Sự suy thoái môi trường sống và các tuyến đường di cư bị gián đoạn đang đe dọa sự sống còn của chúng.

Để giải quyết những vấn đề này và thực sự bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú của châu Á, nhà nghiên cứu Mohd Yunus cho rằng cần có một cách tiếp cận đa hướng.

Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú của châu Á đòi hỏi 4 điều: hợp tác chặt chẽ xuyên biên giới, đủ nguồn tài trợ, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và trách nhiệm giải trình rõ ràng.

Theo ông Mohd Yunus, đã có những ví dụ điển hình chứng minh tính hiệu quả của việc hợp tác xuyên biên giới.

Chương trình Công viên Di sản ASEAN (AHP) thúc đẩy sự hợp tác giữa 10 quốc gia trong việc bảo tồn 57 khu bảo tồn bao gồm hơn 11 triệu ha khu bảo tồn, trên đất liền và trên biển.

Bên cạnh đó, khuôn khổ Quan hệ Đối tác Đường bay Đông Á-Australia với sự tham gia của 18 quốc gia đã giúp đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn các loài chim thủy sinh (những con chim sống trên bề mặt hoặc xung quanh các vùng nước) di cư trên 145 địa điểm.

Tài trợ là chìa khóa để bảo vệ đa dạng sinh học. Việc ra mắt Quỹ Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu (GBFF) vào năm ngoái là một bước tiến tích cực, với các cam kết từ Canada (200 triệu đôla Canada) và Anh (10 triệu bảng Anh).

Quỹ đã đề ra các hành động khẩn cấp để hoàn thành vào năm 2030 và các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2050.

Nhà nghiên cứu Mohd Yunus cho rằng châu Á nên đóng góp tích cực cho lĩnh vực này do tính đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực và các mối đe dọa ngày càng gia tăng mà khu vực phải đối mặt.

Theo ông, các cộng đồng địa phương thường sở hữu nhiều kiến thức về hệ sinh thái khu vực qua nhiều thế hệ và có thể là những người quản lý tài nguyên bền vững. Việc trao tặng phần thưởng tài chính có thể tạo cho họ động lực hơn nữa để bảo vệ môi trường.

Ông Mohd Yunus cho rằng Chương trình chi trả cho dịch vụ lưu vực sông của Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời. Ra mắt cách đây 2 thập kỷ, chương trình này trả tiền cho các cộng đồng quản lý rừng bằng nguồn tài chính đóng góp từ các nhân tố được hưởng lợi, chẳng hạn như các nhà máy thủy điện, và cho thấy giá trị của các giải pháp bảo tồn dựa trên thị trường.

Tuy nhiên, để thực sự khai thác hết tiềm năng của bảo tồn dựa vào cộng đồng, ông Mohd Ynunus cho rằng châu Á cần thiết lập một cơ chế tài trợ minh bạch và có trách nhiệm.

Điều này có khả năng vượt qua các rào cản quan liêu và loại bỏ các hành vi tham nhũng, với tiến độ được đo bằng các chỉ số hữu hình bao gồm môi trường sống được phục hồi và đa dạng sinh học rõ ràng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục