Nhà hát Kịch Việt Nam: Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật sân khấu

Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Qua 70 năm phát triển, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam có nhiều thế hệ diễn viên với 28 nghệ sỹ nhân dân, 61 nghệ sỹ ưu tú.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Tối 14/12, Nhà hát Kịch Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (12/1952-12/2022).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam và cá nhân Giám đốc Nhà hát, nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc.

Nhà hát Kịch Việt Nam (tiền thân là Đoàn văn công Trung ương) được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam có nhiều thế hệ diễn viên kế tiếp nhau với 28 nghệ sỹ nhân dân, 61 nghệ sỹ ưu tú.

[Nhà hát Kịch Việt Nam sắp ra mắt nhạc kịch 'Alice in Wonderland']

Trải qua 70 năm, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn được khán giả trong nước cũng như công chúng nước ngoài đón nhận nồng nhiệt đồng thời gây được tiếng vang lớn trong những kỳ liên hoan sân khấu quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ghi nhận và chúc mừng những thành tựu của nhà hát trong 70 năm qua.

Để nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Nhà hát Kịch Việt Nam phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đoàn kết, phấn đấu cùng khắc phục những khó khăn; vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của văn nghệ sỹ; tiếp tục phấn đấu xây dựng Nhà hát là một đơn vị nghệ thuật mẫu mực, đáp ứng được lòng yêu mến của khán giả, phục vụ nhân dân ở mọi miền đất nước.

Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho rằng lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là dịp để các nghệ sỹ của nhà hát nhìn lại chính mình, khẳng định sức vóc của “Cánh chim đầu đàn,” “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Thông qua đó, các nghệ sỹ cũng mong muốn khán giả đón nhận sự chuyển mình đầy đột phá của nhà hát trong giai đoạn mới với sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn với khán giả.

Theo nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, chủ trương của Ban Giám đốc là mỗi người trong nhà hát đều phải làm việc, ai tự tin làm tốt ở lĩnh vực nào, nhà hát sẽ tạo cơ hội để tỏa sáng ở lĩnh vực đó. 

"Ban Giám đốc khuyến khích các nghệ sỹ không chỉ tham gia biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát mà còn tạo điều kiện để giúp họ xây dựng thương hiệu cho từng người trên các lĩnh vực khác như phim truyền hình, điện ảnh, các game show, các sự kiện văn hóa nghệ thuật," nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc chia sẻ.

Giám đốc Xuân Bắc cho biết nhà hát đang đẩy mạnh các hoạt động marketing, xúc tiến để quảng bá thương hiệu và tác phẩm đến với công chúng bằng nhiều hình thức, như trên các trang web, các trang thương mại điện tử và mạng xã hội.

Buổi lễ có sự tham dự của nhiều thế hệ nghệ sỹ. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Hiện tại, nhà hát đã tiến hành số hóa, có mã code QR thuận tiện cho khán giả truy cập thông tin về các chương trình mới nhất và sẽ tiến hành bán vé điện tử để khán giả có kế hoạch xếp lịch thưởng thức.

"70 năm là bề dày truyền thống đáng tự hào của các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên, người lao động. Trong suốt chặng đường này, các thế hệ của nhà hát đã không ngừng sáng tạo, vươn lên để khẳng định vị trí của một đơn vị sân khấu kịch nói hàng đầu của đất nước," Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ.

Với nghệ thuật, nếu không thích ứng và tự đổi mới thì sẽ bị đào thải. Chính vì vậy, tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam quan niệm thành công của mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của nhà hát và việc cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể “sáng đèn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục