Gần 30 năm qua, dành phần lớn thời gian ở trường, từ sáng đến chiều muộn, cô Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bảo: “Tôi vẫn nói đùa với chồng con và các đồng nghiệp rằng trường học mới là nhà, còn nhà lại thành… nhà trọ.”
Chọn nghề vì tình yêu trẻ nhỏ
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm nông nghiệp, từ nhỏ, cô Lợi đã phải vất vả phụ giúp việc nhà, trồng ngô trồng sắn. Vì thế, cô càng quyết tâm nỗ lực học hành để có thể có tương lai tươi sáng hơn.
Thấy cô học trò nhỏ rất thích chơi với trẻ con và luôn được các em nhỏ yêu quý, các thầy cô giáo ở trường trung học phổ thông đã khuyên Lợi thi vào ngành sư phạm mẫu giáo. Được sự hướng nghiệp của các thầy, cô Lợi đã thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương và khăn gói rời Điện Biên xuống Hà Nội theo học ba năm. Tốt nghiệp ra trường, do lấy chồng và sinh con nên phải hai năm sau cô Lợi mới bắt đầu sự nghiệp của người giáo viên mầm non tại Trường Mầm non 20/10, thị xã Điện Biên Phủ, nay là Thành phố Điện Biên Phủ.
Dù là giáo viên trẻ, vừa mới đi làm, nhưng cô Lợi vẫn được hiệu trưởng tín nhiệm giao trọng trách tổ trưởng chuyên môn do được đào tạo bài bản. “Khi đó, tôi đã rất lo mình không thể đảm nhiệm được nên từ chối, nhưng hiệu trưởng vẫn bày tỏ sự tin tưởng và động viên tôi: đã có trình độ chuyên môn tốt thì phải khẳng định được năng lực trong thực tế. Vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức mình để xứng đáng với sự tin tưởng ấy,” cô Lợi kể.
Toàn tâm, toàn ý với công việc, cô Lợi bảo bí quyết để có thể dạy được trẻ mầm non là phải làm sao để trẻ cảm thấy yên tâm khi ở trường, cảm nhận được tình yêu thương của cô dành cho mình. Vì thế, với các bé cá tính, nghịch ngợm, giáo viên cần nghiêm khắc nhưng vẫn phải tranh thủ những lúc rảnh rỗi ân cần ôm ấp, vỗ về, động viên, để trẻ biết cô rất yêu mình. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải làm nhiều đồ dùng, đồ chơi để tổ chức các hoạt động, thu hút và tạo hứng thú cho học sinh, phải trang trí lớp học cho thật đẹp, rực rỡ, sinh động. Điều đó đòi hỏi thêm nhiều thời gian và công sức. Giáo viên mầm non phải đến trường từ 6 rưỡi sáng tới 6 giờ chiều, khi trẻ cuối cùng được cha mẹ đón về. Công việc dạy dỗ và chăm sóc trẻ cả ngày ở trường đã rất áp lực, mỏi mỏi, buổi tối còn phải soạn giáo án, làm đồ chơi.
“Nhưng đã chọn nghề thì phải chấp nhận những khó khăn, thách thức của nghề. Tôi may mắn có được người chồng luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với đặc thù nghề nghiệp của vợ. Gia đình đã là điểm tựa vững chắc để tôi có thể tận tâm với công việc, với tình yêu nghề, mến trẻ của mình,” cô Lợi xúc động nói.
Bí quyết thành công của hiệu trưởng
Chỉ sau 4 năm làm giáo viên tại Trường Mầm non 20/10, cô Lợi đã nhanh chóng khẳng định được bản thân khi trở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, rồi cấp tỉnh. Cô cũng hoàn thành tốt nhiều vai trò như tổ trưởng tổ chuyên môn, bí thư đoàn, cán bộ công đoàn trường. Năm 1998, ở tuổi 27, cô đã được cấp trên tin tưởng, giao phó làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Noọng Bua.
Từ một giáo viên trẻ chỉ phải quản lý một lớp học lên làm hiệu trưởng, phải quản lý, điều hành từ công việc chuyên môn đến nhiều lĩnh vực khác như tài sản, tài chính, nhân sự, phải hoàn thành hồ sơ, sổ sách… cô Lợi bảo đó thực sự là một áp lực rất lớn nhưng cũng là cơ hội để rèn luyện sự bản lĩnh, cơ hội để trưởng thành.
“Đợt kiểm tra đầu tiên của phòng giáo dục, dù đã rất cố gắng nhưng đoàn kiểm tra vẫn chỉ cho tôi thấy rất nhiều điểm còn bất cập, tôi đã rất thất vọng đến phát khóc với chính mình. Nhưng với sự tư vấn, hỗ trợ rất tích cực từ cấp trên, tôi đã dần lấy lại được bình tĩnh và học hỏi, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Kết quả lần kiểm tra thứ hai đã khác hẳn, tôi cũng dần tự tin hơn vào bản thân và điều hành công việc tốt hơn,” cô Lợi chia sẻ.
Với những nỗ lực và khẳng định được bản thân trong công việc, sau 10 năm gắn bó với Trường Mầm non Noọng Bua, cô Lợi đã được tin tưởng giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng các trường mầm non trọng điểm trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ là Trường Mầm non 20/10 và từ năm 2022 đến nay là Trường Mầm non Hoa Ban.
Chia sẻ về bí quyết để xây dựng, phát triển nhà trường ở vai trò hiệu trưởng, cô Lợi cho hay có hai mục tiêu cô luôn đặt ra và quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên là xây dựng uy tín và thương hiệu. Để khẳng định được uy tín, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải đảm bảo chăm môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt nhất, không để xảy ra các vấn đề khiến phụ huynh bức xúc như bạo lực hay ngộ độc thực phẩm. Để xây dựng thương hiệu, tất cả các giáo viên phải chung sức, cố gắng trong chuyên môn, tổ chức nhiều các hoạt động phong phú.
Nhưng để giáo viên có thể đồng tâm hiệp lực trong việc xây dựng uy tín và thương hiệu của trường thì vấn đề cốt lõi là phải tạo được sự gắn kết như gia đình giữa các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.
Bí quyết của cô Lợi là luôn đặt mình vào vị trí giáo viên để thấu hiểu, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc thay vì các mệnh lệnh hành chính áp đặt, cứng nhắc. Bên cạnh đó cũng cần sự thẳng thắn chỉ ra những điểm tồn tại, cần khắc phục ở đâu để cùng hướng đến mục tiêu chung.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho giáo viên khuyết tật tiêu biểu
Bằng khen là sự ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các giáo viên vì đã "là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.”
Hỗ trợ tối đa cho giáo viên nên cứ tháng Chín hàng năm, khi bắt đầu năm học mới và giáo viên các lớp nhà trẻ phải rất vất vả, áp lực khi đón những em nhỏ lần đầu tiên rời xa vòng tay yêu thương thân thuộc của gia đình để đến trường, cô Lợi lại và các hiệu phó chia nhau đến các lớp nhà trẻ trực tiếp cùng giáo viên đón và chăm sóc trẻ. Hết tháng Chín, nếu trẻ vẫn còn khóc, chưa quen môi trường mới, cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng các giáo viên.
Mỗi dịp có cuộc thi chuyên môn, cô khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên tham gia. Khi các giáo viên có thành tích, cô lại chủ động đề xuất với lãnh đạo các cấp để có khen thưởng, nâng lương kịp thời.
Vốn yêu trẻ nên cô Lợi vẫn thường xuyên xuống các lớp, trò chuyện, vui đùa với học sinh nên dù làm hiệu trưởng, không trực tiếp dạy dỗ hàng ngày, cô vẫn luôn được các học trò yêu quý. Cô Lợi cho hay việc hỏi han học sinh vừa để gần gũi với các em nhưng cũng là cách để cô biết được việc dạy học ở các lớp như thế nào mà không cần phải qua các đợt kiểm tra, nhằm giảm áp lực cho giáo viên.
Luôn tận tâm với công việc, coi nhà trường là ngôi nhà thứ hai nên cô Lợi luôn được học sinh và đồng nghiệp yêu quý.
“Đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi, là động lực để tôi luôn cố gắng, nỗ lực xây dựng và phát triển nhà trường trên cương vị người hiệu trưởng, để không chỉ xứng đáng với sự tín nhiệm của cấp trên mà còn vì chính niềm say mê nghề nghiệp của bản thân mình,” cô Lợi nói./.