Theo truyền thông Đức, ngày 18/10, các công tố viên, nhân viên điều tra thuế và cảnh sát tiến hành khám xét trụ sở ngân hàng Deutsche Bank ở thành phố Frankfurt, bang Hessen và nhà riêng của một số nghi phạm để tiếp tục điều tra vụ bê bối "cum-ex."
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn truyền thông nước này cho biết các cuộc khám xét được thực hiện như một phần của cuộc điều tra đã kéo dài gần 5 năm nay về hành vi trốn thuế nghiêm trọng có liên quan khoảng 80 nghi phạm.
Một phát ngôn viên của cơ quan công tố cho biết văn phòng công tố viên thành phố Cologne đang thực hiện lệnh khám xét đối với trụ sở ngân hàng Deutsche Bank ở thành phố Frankfurt, một số chi nhánh và nhà riêng của các nghi phạm. Tổng cộng, lực lượng chức năng huy động 114 nhân viên tiến hành vụ khám xét.
Ngân hàng Deutsche Bank đã xác nhận về vụ khám xét và cho biết sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Deutsche Bank không cung cấp thêm thông tin do quá trình điều tra đang được thực hiện.
[Vụ bê bối cum-ex: Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng ra làm chứng]
Việc điều tra ngân hàng Deutsche Bank liên quan đến vụ bê bối "cum-ex" được tiến hành từ năm 2017.
Năm ngoái, Tòa án Tư pháp liên bang Đức lần đầu tiên ra phán quyết nêu rõ các thương vụ trốn thuế hàng tỷ euro theo hình thức "cum-ex" là hành vi trốn thuế và có thể bị truy thu.
Với các giao dịch theo hình thức "cum-ex," các nhà đầu tư, ngân hàng và người mua chứng khoán đã lừa đảo cơ quan thuế quan của Đức hàng tỷ euro trong nhiều năm.
Theo hình thức này, cổ phiếu được (cum) hưởng cổ tức hoặc không được (ex) hưởng cổ tức đã được chuyển đổi vòng tròn qua lại xung quanh ngày tuyên bố trả cổ tức để không rõ ai là chủ sở hữu cổ phiếu.
Với các giao dịch như vậy, các bên đồng thời được yêu cầu có quyền sở hữu với cổ phiếu và họ được hoàn thuế cổ tức mà họ thực sự chưa bao giờ trả. Nói cách khác, các nhà đầu tư có thể được hoàn thuế một lần nhưng thực tế lại được hoàn trả nhiều lần. Lợi nhuận cuối cùng được các bên chia nhau./.