‘Nhà đầu tư phải hiểu rõ vấn đề trước khi bỏ tiền làm bóng đá’

Theo cựu Giám đốc điều hành câu lạc bộ Cần Thơ, nhà đầu tư phải hiểu về bản chất và tính chất của một đội bóng đá cũng như bộ môn bóng đá và nhiều yếu tố khác nếu muốn bỏ tiền đầu tư.
Vấn đề tài chính vấn là bài toán nan giải với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VPF)
Vấn đề tài chính vấn là bài toán nan giải với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VPF)

Câu lạc bộ Cần Thơ và Phù Đổng trở thành hai cái tên mới nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rơi vào cảnh lao đao do gặp khó về tài chính và các vấn đề với nhà đầu tư, rộng hơn là đối diện với “cánh cửa sinh tử,” nguy cơ giải thể. 

Điều này một lần nữa dấy lên vấn đề còn tồn động nhiều năm qua về cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Trước mùa giải 2022, lần lượt câu lạc bộ Tây Ninh và Than Quảng Ninh cũng gặp vấn đề tương tự và đã phải giải thể. 

Trao đổi với Báo Điện tử VietnamPlus, Cựu Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Cần Thơ và Phố Hiến, ông Lê Minh Dũng đã chỉ ra một trong những lý do khiến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn gặp vấn đề với các nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn người trong cuộc với những gì xảy ra với câu lạc bộ Cần Thơ thời gian qua, ông Lê Minh Dũng thẳng thắn cho rằng: “Nhà đầu tư phải hiểu về bản chất và tính chất của một đội bóng đá cũng như bộ môn bóng đá và nhiều yếu tốc khác nếu muốn bỏ tiền xây dựng đội bóng.”

‘Nhà đầu tư phải hiểu rõ vấn đề trước khi bỏ tiền làm bóng đá’ ảnh 1Câu lạc bộ Cần Thơ được trả lại cho Trung tâm Thể dục thể thao Thành phố Cần Thơ sau khi nhà đầu tư rời đi. (Ảnh: VPF)

- Ông có thể cho biết lý do nào khiến câu lạc bộ Cần Thơ gặp khó về tài chính? Phải chăng những nhà đầu tư không thể thu lợi từ đội bóng nên quyết định buông xuôi?

Ông Lê Minh Dũng: Đối với tôi, giới chủ đầu tư của đội bóng là những người phải chịu trách nhiệm sau cùng. Tôi được mời đến làm việc cho câu lạc bộ Cần Thơ từ đầu năm 2022 với những cam kết của giới chủ về điều kiện làm việc, ngân sách dự kiến cũng như không đi vào con đường trao đổi quyền lợi kinh tế và cơ chế chính sách với địa phương, thay vào đó tập trung phát triển một tổ chức thể thao thực sự. Tới thời điểm này, tôi cho rằng họ đã không tuân thủ các cam kết ấy với tôi.

Tôi không rõ những tính toán gì đã được họ xem xét và cũng không biết rõ trước khi họ bước vào đội bóng thì đã có thỏa thuận gì với địa phương hay không. Khi không có nguồn thu trực tiếp như tưởng tượng ban đầu, họ yêu cầu thành phố cung cấp một số cơ chế, theo tôi đều là những yêu cầu chưa thực tế hoặc mang tính đường dài mới triển khai được. Đó có thể là lý do vì sao họ quyết định dừng đầu tư.

Một lần nữa tôi phải khẳng định rằng công việc của tôi là vận hành đội bóng, nên tôi không được nắm thông tin đầy đủ về những gì đã diễn ra ở cấp thượng tầng. Nhưng việc dừng giữa mùa giải, cắt đứt liên lạc trong một khoảng thời gian dài cho thấy sự thiếu trách nhiệm của giới chủ đầu tư. Tôi nghĩ rằng kể cả khi họ muốn dừng, cũng không ai có thể ngăn cản, nhưng cách dừng lại cũng quan trọng.

- Một đội bóng Hạng Nhất cần bao nhiêu tiền để duy trì?

Ông Lê Minh Dũng: Ngân sách của các đội Hạng Nhất theo tôi được biệt có biên độ dao động khá lớn, từ 15 cho tới 40 tỷ đồng. Tiêu chí nào thì do nội bộ mỗi đội bóng xác định.

Tài chính dĩ nhiên là thiết yếu. Nếu chế độ như tiền lương, tiền thưởng không được đảm bảo thì cán bộ nhân viên, cầu thủ, huấn luyện viên không thể tập trung tối đa để làm việc, bản thân cấp quản lý cũng sẽ không thể đề ra mục tiêu công việc cao nhất được. Mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà thầu liên quan thì dễ hiểu hơn vì là mối quan hệ kinh tế, nhưng đơn giản là họ hoàn thành công việc thì họ cũng phải được thanh toán đầy đủ, đúng hạn.

‘Nhà đầu tư phải hiểu rõ vấn đề trước khi bỏ tiền làm bóng đá’ ảnh 2Sau Cần Thơ, Phù Đổng cũng đang nợ lương cầu thủ ở giải Hạng Nhất Quốc gia. (Ảnh: VPF)

- Từ câu chuyện của Cần Thơ, dưới góc nhìn của Giám đốc điều hành, ông có thể cho biết rằng lý do nào khiến những đội bóng ở Hạng Nhất vẫn luôn khó khăn, từ khâu tìm kiếm nhà tài trợ?

<Ông Lê Minh Dũng: Nhà tài trợ bước vào đội bóng sẽ đặt câu hỏi là quyền lợi họ nhận được là gì. Các đội bóng nếu không định vị được rõ ràng hoặc không đảm bảo về các giá trị có thể đem ra trao đổi thì sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ.

Những thứ tôi nói không có gì mới mẻ. Nhà đầu tư phải hiểu về bản chất và tính chất của một đội bóng đá cũng như bộ môn bóng đá; các bên liên quan như địa phương, người hâm mộ và những người trong giới bóng đá đều cần thay đổi tư duy, hướng tới sự ổn định bền vững cho bộ môn của mình; cần có sự bảo trợ của luật pháp để tạo điều kiện cho kinh tế thể thao phát triển.

Ngoài những thứ vĩ mô như vậy, với câu chuyện tại Cần Thơ nói riêng cũng như một vài trường hợp tương tự khác đã xảy ra, đơn vị quản lý giải đấu có thể xây dựng các cơ chế “kiểm tra đầu vào,” kiểm soát cam kết đối với giới chủ, nhà đầu tư vào các đội bóng chuyên nghiệp. Việc này không mới, đã được thực hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới.

‘Nhà đầu tư phải hiểu rõ vấn đề trước khi bỏ tiền làm bóng đá’ ảnh 3Các đội bóng ở Hạng Nhất Quốc gia vẫn rất loay hoay trong việc tìm kiếm nhà tài trợ nhằm đảm bảo mục tiêu dài hạn. (Ảnh: VPF)

Phải nhìn nhận thực tế rằng ngay ở những nền bóng đá lớn nhất thế giới, việc bóng đá không tạo ra được giá trị lãi suất đủ lớn so với quy mô hoặc thậm chí là không tạo ra lãi vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên, cuộc chơi vẫn đủ cởi mở. Tôi nghĩ vẫn còn những điều mà mọi người chưa làm hết để có thể kết luận rằng chắc chắn không thể kiếm được tiền trực tiếp từ bóng đá Việt Nam.

- Theo ông, phải chăng cách làm bóng đá tại Việt Nam vẫn còn chưa chuyên nghiệp?

Ông Lê Minh Dũng: Đầu tiên, tôi cho rằng bóng đá Việt Nam vẫn đang trong chiều hướng đi lên. Sau đó, tôi hiểu rằng sự đi lên này là chậm chạp, chưa kể những biến số như dịch bệnh, nền kinh tế... đang có ảnh hưởng xấu trong thời gian gần đây. Dù sao, nếu không tiếp tục cố gắng thì ta sẽ dậm chân tại chỗ, mà đứng tại chỗ thì có nghĩa là sẽ tụt lại phía sau.

Với câu chuyện ở đội bóng Cần Thơ, thời điểm giới chủ mới của đội bóng là Tập đoàn Tây Đô đến, chỉ 3 tuần sau đó là giải đấu Hạng Nhất bắt đầu, gần như mọi thứ không có thời gian để tạo ra thay đổi gì lớn, chỉ có thể cố gắng để tái ổn định và bước vào cuộc chơi. Các cầu thủ và cán bộ nhân viên khi ấy bị chủ cũ (Công ty Sao Nam) nợ 3 tháng lương, cho tới nay vẫn không đòi lại được.

Sau khoảng 2 tháng đầu tái ổn định, Tập đoàn Tây Đô hoạt động mà không hề có các công cụ quản trị thiết yếu như ngân sách, kế hoạch tài chính được phê duyệt. Tôi đã làm dự thảo rất kỹ và thậm chí đã nhận được “phê duyệt miệng,” nhưng không hề có bất kỳ văn bản được ký chính thức nào.

Công ty chi trả rất chọn lọc các khoản thanh toán ngay từ khoảng tháng 3/2022, công nợ nhà cung cấp bắt đầu tồn kể từ đây. Từ tháng 5/2022, lương của cán bộ nhân viên cũng bắt đầu bị chậm, nguồn kinh phí hoạt động không được cung cấp nữa. Mọi thứ bắt đầu khó khăn...

- Cảm ơn ông!   

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục