Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tương lai lực lượng lao động Việt Nam

Việt Nam hiện có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề hoặc nhân sự quản lý bậc trung và cao trong các ngành như điện tử và bán dẫn, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng...
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tương lai lực lượng lao động Việt Nam ảnh 1Đại sứ Mai Phước Dũng tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Thượng đỉnh Kinh doanh Singapore Apex 2022 ngày 23/3. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Đánh giá của Việt Nam về xu hướng việc làm trong tương lai và sự chuẩn bị của Việt Nam cho lực lượng lao động thế nào để đón đầu các xu hướng việc làm như vậy là vấn đề mà giới kinh doanh quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Singapore Apex 2022 (SABS 2022) diễn ra từ ngày 22-25/3 tại khu triển lãm và hội nghị Marina Bay Sands, Singapore.

Phiên thảo luận ngày 23/3 với chủ đề “Tìm hiểu tương lai việc làm và kỹ năng tại ASEAN để nắm bắt cơ hội kinh doanh” có sự tham dự của các diễn giả đến từ các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN gồm Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, Đại sứ Indonesia Suryo Pratomo và Đại sứ Philippines Joseph Del Mar Yap.

[Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Singapore Apex 2022]

Đại sứ Mai Phước Dũng cho biết Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, các tập đoàn đa ngành trong nước cũng đang ngày càng lớn mạnh. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ năng cao và có đào tạo ở Việt Nam ngày càng lớn.

Hiện tại, cơ cấu lao động đang dịch chuyển theo hướng thay đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ, tạo ra thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội.

Về xu hướng việc làm trong tương lai, Việt Nam hiện có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề hoặc nhân sự quản lý bậc trung và cao trong các ngành như điện tử và bán dẫn, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, năng lượng và kinh tế biển.

Chẳng hạn trong ngành năng lượng, nhu cầu về lao động lành nghề trong ngành năng lượng xanh đang tăng lên với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp này tại Việt Nam trong những năm gần đây và thời gian tới.

Về sự chuẩn bị của Việt Nam, Đại sứ Mai Phước Dũng cho biết lực lượng lao động Việt Nam được các công ty nước ngoài đánh giá cao về khả năng làm việc, nhanh nhạy trong học hỏi và nắm bắt kỹ năng mới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với các thử thách để có được một lực lượng lao động có tay nghề đủ lớn để đáp ứng nhu cầu cao cho tiến trình phát triển kinh tế tại Việt Nam trong tương lai.

Tới nay, lao động có tay nghề chỉ chiếm 26,1% lực lượng lao động và 73,9% còn lại là không qua đào tạo có bằng cấp.

Vì thế, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới của Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cho sự phát triển trong trung và dài hạn.

Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có 75% lực lượng lao động đã qua đào tạo trong đó 40% được đào tạo có chứng chỉ.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tương lai lực lượng lao động Việt Nam ảnh 2Đại sứ Mai Phước Dũng trả lời câu hỏi tại phiên thảo luận ngày 23/3. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm 96% số các công ty tại Việt Nam và tuyển dụng 47% lực lượng lao động.

Chia sẻ quan điểm về việc ASEAN nên có hợp tác thế nào về vấn đề việc làm và kỹ năng trong tương lai, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng ASEAN hiện có cơ chế họp Bộ trưởng Lao động ASEAN diễn ra hai năm một lần, đã đang được triển khai rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua, với những nỗ lực chung trong các lĩnh vực như hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng, công nhận kỹ năng, tăng năng suất lao động.

Tiềm năng hợp tác vẫn còn nhiều để đảm bảo cả khu vực chuyển đổi nhịp nhàng trong lĩnh vực này.

Các nền kinh tế phát triển hơn có thể đi đầu trong các sáng kiến về nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo tài năng tương lai của khu vực, tăng cường thể chế và cơ sở hạ tầng cho đào tạo và dạy nghề trong khu vực, trong khi các nền kinh tế phát triển thấp hơn có thể đóng góp thông qua cung cấp lực lượng lao động dồi dào và tạo điều kiện cho sự dịch chuyển tự do của lao động kỹ năng trong nội khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục