Nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia sâu hơn trong việc ra quyết định

"Các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước nếu họ có thể nắm quyền ra quyết định tại doanh nghiệp."
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2015, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế có thể trở thành chướng ngại cản trở tăng trưởng kinh kế. Vì thế để đảm bảo cho cán cân này được cân bằng, việc Việt Nam tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và phát triển môi trường thu hút đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Đây là nhận định của ông Shinmon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, tại Hà Nội, ngày 9/6.

Tham gia ra quyết định

Theo ông Tokuyama, hiện tại, Việt Nam có nền kinh tế vĩ mô ổn định, là một trong những quốc gia lớn về xuất khẩu sản phẩm lắp ráp và gia công. Tương lai, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mục tiêu thực hiện tăng trưởng kinh tế tự lập dựa vào tăng trưởng sản xuất trong nước, trọng tâm chính sách đặt vào sự phát triển công nghiệp.

Với mong muốn đầu tư chiến lược, góp phần đóng góp vào việc tạo ra giá trị mới và tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, họ cần biết việc nhà đầu tư chiến lược nắm giữ hơn 50% cổ phần có được quyền điều hành kinh doanh hay không và đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để họ đưa ra quyết định đầu tư.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét một cách tích cực việc nới lỏng quy chế tỷ lệ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, công ty niêm yết, công ty đại chúng. Hơn nữa, khi doanh nghiệp nhà nước lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng-IPO, các thông tin cửa ngõ đầu tiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, vì vậy cần được cải thiện cả về chất và lượng,” ông Tokuyama đề xuất.

Đồng tình quan điểm này, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước nếu họ có thể nắm quyền ra quyết định tại doanh nghiệp.

Đánh giá thiết bị qua sử dụng

Tại diễn đàn năm nay, một vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài đề cập nhiều, đó là việc đánh giá niên hạn, chất lượng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu vào Việt Nam tại Thông tư sửa đổi, bổ sung từ Thông tư số 20/2014/TT-KHCN.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ rất khó đáp ứng điều kiện về thời gian sử dụng 10 năm của thiết bị tính từ năm sản xuất và còn ít nhất 80% chất lượng so với ban đầu.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất, việc xác định thời gian tính nên bắt đầu từ ngày sử dụng thay cho ngày sản xuất.

“Cơ quan chức năng cần quy định một cách cụ thể, chính xác các tiêu chuẩn thẩm định thời gian sử dụng và chất lượng còn lại cho các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải rất khác nhau. Bởi, việc áp dụng một tiêu chuẩn cho tất cả các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền như hiện tại là không hợp lý,” ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra ý kiến.

Cũng cho rằng nội dung tại Thông tư sửa đổi chưa được làm rõ, ông Tokuyama nhấn mạnh, phạm vi đối tượng áp dụng của Thông tư là rất rộng, trong khi cần phải có đến hàng nghìn tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, về đặc điểm, tính năng của máy móc, thiết bị cũng nhiều yếu tố liên quan khác. 

“Chúng tôi cho rằng nếu áp dụng quy định này khi chưa có tiêu chuẩn đánh giá phù hợp sẽ dẫn đến trường hợp cơ quan thực thi có quá nhiều quyền tự quyết, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động và quyền lợi của doanh nghiệp,” ông Tokuyama nói.

Chỉ ra một thực tiễn trong thương mại quốc tế, bà Sherry Boger rằng, các nhà đầu tư có thiết bị đã sử dụng chất lượng tốt thường muốn chuyển từ nhà máy hiện tại ở một nước khác sang Việt Nam, vì họ không muốn mua thiết bị mới với thời gian giao hàng dài và chi phí cao hơn rất nhiều.

Do đó, bà Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đề xuất, thay vì hạn chế, với mục tiêu khuyến khích nhập khẩu thiết bị sản xuất cho các ngành công nghiệ cao được hiện thực hóa tốt hơn, Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi thuế mới cho hoạt động đầu tư thiết bị, công nghệ phù hợp.

Cải thiện nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục là đề tài nóng được các đối tác phát triển đề cập đến tại Diễn đàn.

Theo Báo cáo Diễn đàn kinh tế Thế giới 2014-2015, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực và điều này đang tạo nên mối lo ngại. Cụ thể, hơn 10% số người được yêu cầu chọn 05 vấn đề khó giải quyết nhất cho việc kinh doanh tại Việt Nam, họ đã xác định rằng lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ là một trong những vấn đề chính.

“Rất nhiều doanh nghiệp của chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những lao động có tay nghề và cả kỹ sư.” Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam không khỏi băn khoăn và chỉ ra khúc mắc về vấn đề lao động, “trong giai đoạn đầu của việc thành lập một dự án đầu tư mới thì cần đến các chuyên gia nước ngoài cho việc chuyển giao công nghệ, song sau đó các công ty sẽ phải hạn chế việc đưa các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam bởi là chi phí quá cao."

Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thẳng thắn, đào tạo đại học và dạy nghề là hai nguồn chính đầu vào cho nhân lực của doanh nghiệp. Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực của sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng tốc độ chưa đạt được như kỳ vọng, chất lượng đầu ra còn rất hạn chế.

“Phần lớn sinh viên ra trường không có khả năng bắt tay vào những công việc mà chính họ đã được đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực như vậy sẽ dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam không thể đi lên và kéo theo khả năng cạnh tranh về yếu tố lao động sẽ bị giảm,” ông chỉ ra.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng chỉ ra, các lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch, khách sạn nếu được cải thiện thông qua giáo dục và đào tạo sẽ có thể mang lại mức tăng trưởng cao hơn và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục