Nhà đầu tư Mỹ ngày càng quan ngại trước diễn biến của dịch COVID-19

Nhiều nhà đầu tư cho biết rất khó đoán diễn biến tiếp theo của dịch COVID-19 nên việc đánh giá chính xác những thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh này gây ra đối với các thị trường tài sản không dễ dàng.
Nhà đầu tư Mỹ ngày càng quan ngại trước diễn biến của dịch COVID-19 ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 3/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Các từ "thị trường giá xuống" - chỉ trạng thái thị trường giảm 20% hay nhiều hơn so với mức cao trước đó, và "suy thoái kinh tế" đang được sử dụng với tần suất ngày càng tăng.

Hai cụm từ trên được sử dụng nhiều trong khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá mức độ thiệt hại của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với giá các loại tài sản trên toàn cầu.

Sự bùng phát mạnh dịch COVID-19 trong thời gian qua đã dẫn tới sự biến động mạnh ở các thị trường trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư nói rằng hiện rất khó đoán diễn biến tiếp theo của dịch COVID-19 cũng như hiệu quả của các biện pháp ứng phó của các nước, khiến việc đánh giá chính xác những thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh này gây ra đối với các thị trường tài sản là hoàn toàn không dễ dàng.

Ngân hàng Rabobank cho biết chiến lược ban đầu ở hầu hết các nước phương Tây là “án binh bất động” đã không mang lại hiệu quả.

[Kinh tế toàn cầu trước mối nguy chệch hướng vì COVID-19]

Ông John Lekas, Giám đốc điều hành và Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Leader Capital, cho rằng thị trường đã không theo kịp diễn biến thực tế và thị trường chứng khoán có thể sụt giảm khoảng 20% trong năm 2020. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 12% so với thời điểm đóng cửa ngày giao dịch 19/2.

Trong khi đó, giá dầu đã giảm khoảng 30% sau khi Saudi Arabia đã giảm mạnh giá dầu xuất khẩu trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh không nhất trí về việc cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ thị trường “vàng đen” do Nga không ủng hộ đề xuất này.

Động thái trên của Saudi Arabia - quốc gia sản xuất dầu hàng đầu OPEC, được coi là sự khởi động “cuộc chiến giá dầu” với Nga - một trong những nước sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Ông Ken Polcari, chiến lược gia thị trường cao cấp tại SlateStone Wealth LLC ở Jupiter, Florida, cho biết các yếu tố như dịch COVID-19 và giá dầu giảm mạnh đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Deutsche Bank đã phác thảo một kịch bản trong đó chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall rơi vào trạng thái “thị trường giá xuống” nếu dịch COVID-19 không nhanh chóng được ngăn chặn. Chỉ số S&P đã giảm khoảng 8% so với mức đỉnh vào ngày 6/3.

Theo kịch bản dự báo chính của Deutsche Bank, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm 15-20% và sau đó phục hồi. Trong khi đó, một dự báo bi quan hơn cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm mạnh hơn con số ước tính trên và sau đó kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trong tuần này sẽ chờ đợi một số liệu kinh tế của Mỹ, bao gồm sự lạc quan của doanh nghiệp nhỏ và giá tiêu dùng, để đánh giá tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng trước, trước khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng và nhanh.

Các nhà phân tích tại Oxford Economics cho biết nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Mỹ có thể không phải là số ca tử vong do dịch COVID-19 mà là việc dịch bệnh này tác động tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của người dân, các hoạt động du lịch và đi lại cũng như các biện pháp hạn chế mà chính phủ nước này có thể thực hiện.

Oxford Economics dự đoán hiện có 35% khả năng suy thoái kinh tế xảy ra ở Mỹ trong năm 2020, tăng so với mức ước tính 25% đưa ra hồi tháng 1/2020./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục