Nhà đầu tư đề xuất thu phí Quốc lộ 1 qua tỉnh Lạng Sơn từ ngày 1/6

Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Km93+160 Quốc lộ 1 tại tỉnh Lạng Sơn.
Nhà đầu tư đề xuất thu phí Quốc lộ 1 qua tỉnh Lạng Sơn từ ngày 1/6 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Km93+160 Quốc lộ 1, dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đoạn Km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800-Km106+500, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

[Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: Xẻ đồi làm đường, thông tuyến cuối 2019]

Theo ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty Công ty BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, được Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng kiểm tra chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành và cho phép đưa vào sử dụng. Riêng đối với hạng mục trạm thu giá, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra nghiệm thu hoàn thành và chấp thuận cho phép đưa vào sử dụng.

Để đảm bảo tính khả thi của dự án khi bỏ đi một trạm thu giá tại Km24+900, nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét ban hành quyết định cho phép thu giá dịch vụ sử dụng mặt đường trên Quốc lộ 1 vào thời gian từ 0 giờ ngày 1/6 tới đây.

Theo đó, mức thu giá thấp nhất đối với xe dưới 12 ghế ngồi là 35.000 đồng/lượt, xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40feet là 180.000 đồng/xe/lượt.

Nhà đầu tư đề xuất thu phí Quốc lộ 1 qua tỉnh Lạng Sơn từ ngày 1/6 ảnh 2

Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn bao gồm 2 hợp phần là tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 110km và xây dựng đoạn cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn dài 64km. Hai hợp phần này có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có mục tiêu xây dựng 64km cao tốc quy mô 4 làn xe được khởi công quý 2/2015, tiến độ hoàn thành tháng 12/2019. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án bị dừng gần 2 năm do năng lực nhà đầu tư yếu kém về tài chính. Tháng 6/2017, sau khi Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giải pháp tăng cường năng lực tài chính nhà đầu tư, dự án mới được triển khai trở lại.

Hiện, hợp phần cải tạo Quốc lộ 1 đã được đưa vào sử dụng từ hơn một năm nay. Còn hợp phần cao tốc sau một thời gian đình hoãn cũng đã được đẩy nhanh tiến độ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng, trong hợp đồng dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành vào năm 2019 quy định, ngoài các trạm thu phí kín trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư còn sử dụng 2 trạm thu phí hở trên Quốc lộ 1 tại Km24+900 và Km93+160 mới đảm bảo phương án tài chính. Việc đặt 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hiện hữu là khó khả thi vì sẽ có phản ứng của người dân và xã hội.

[Gỡ nút thắt vốn, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn tái khởi động]

“Trong điều kiện không bố trí vốn ngân sách Nhà nước để xử lý việc đã đầu tư tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, bù đắp hoàn vốn phần đã đầu tư, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh phương án tài chính dự án theo hướng chỉ thu một trạm trên Quốc lộ 1; điều chỉnh giá vé tăng vào thời điểm thích hợp khi hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; đồng thời bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng kết nối vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn và áp dụng giá thu đồng nhất trên toàn tuyến đường cao tốc đến cửa khẩu Hữu Nghị,” ông Thưởng cho biết.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cùng các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đã thống nhất với việc chỉ đặt một trạm thu phí hoàn vốn cho tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được đặt trên Quốc lộ 1 và cho phép điều chỉnh, bổ sung đoạn của khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, bảo đảm nối thông toàn tuyến và thu phí chung toàn bộ tuyến đường cao tốc, kết hợp với việc thu phí Quốc lộ 1 sau khi Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành việc tăng cường mặt đường dài tới 110km./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục