Theo nhận định, các nhà đầu tư tham gia thỏa thuận cắt giảm nợ cho Hy Lạp có thể phải chịu mức thiệt hại tổng cộng trên 70% đối với số trái phiếu của nước này mà họ đang nắm giữ, so với những con số 21%, 50% hay 68% được đưa ra trước đây.
Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/1, các nhà lãnh đạo nói thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp có thể được ký trong những ngày tới cùng với gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (169 tỷ USD) để cứu nước này khỏi nguy cơ phá sản.
Hy Lạp cùng với đại diện của các chủ nợ cuối tuần trước đã tiến gần hơn đến thỏa thuận cuối cùng nhằm đưa khối nợ của nước này xuống mức dễ xoay xở hơn. Nếu không được tái cơ cấu, số nợ của Hy Lạp sẽ tăng lên mức 200% GDP vào cuối năm nay.
Nếu đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể duy trì được khả năng trả nợ, còn châu Âu tránh được một cú đánh vào hệ thống tài chính vốn đã yếu đi.
Thỏa thuận hoán đổi nợ sẽ giúp Hy Lạp giảm được 100 tỷ euro nợ và tiết kiệm hàng tỷ euro tiền thanh toán lãi suất. Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ một cách hỗn loạn vào ngày 20/3, khi nước này phải thanh toán 14,5 tỷ euro trái phiếu nếu không có sự hỗ trợ thêm.
Việc Hy Lạp vỡ nợ là kịch bản mà khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) lo ngại nhất và là lý do tại sao Eurozone hy vọng các nhà đầu tư tự nguyện chấp nhận việc thua lỗ với số trái phiếu của Hy Lạp mà họ đang nắm trong tay.
Thỏa thuận hoán đổi nợ đang thành hình là bước quyết định trước khi Hy Lạp có thể nhận gói cứu trợ thứ hai. Nước này đã sống sót kể từ tháng 5/2010 nhờ vào gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro.
Liên quan đến thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp, ngân hàng Alpha Bank của nước này đã thông báo dừng các cuộc thương lượng về việc sáp nhập với ngân hàng Eurobank để trở thành ngân hàng lớn nhất Hy Lạp trong lúc chờ các điều khoản của thỏa thuận hoán đổi nợ được hoàn tất.
Năm ngoái, Alpha Bank báo cáo mức lỗ ròng chín tháng là 567 triệu euro, sau khi xóa 608 triệu euro nợ công của Hy Lạp, còn Eurobank lỗ 575 triệu euro, sau khi dành ra khoản dự phòng 830 triệu euro, trước rủi ro đến từ khoản nợ công của nước này.
Các ngân hàng Hy Lạp đang trong tình thế có thể chịu lỗ lớn do thỏa thuận hoán đổi nợ, một phần của gói cứu trợ thứ hai. Khoảng 30 tỷ euro từ gói cứu trợ này sẽ được dành để hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.
Bên cạnh việc tái cơ cấu nợ, Hy Lạp cũng phải thực hiện các bước khác để có thể được nhận thêm viện trợ như cắt giảm thâm hụt ngân sách và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ ba giám sát nợ là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang kêu gọi Hy Lạp cắt giảm chi tiêu hơn nữa để hạ thâm hụt ngân sách và chi phí nhân công.
Tuy nhiên, các đối tác của Hy Lạp trong Eurozone đang ngày càng nản lòng về sự chậm chạp của nước này trong việc thực thi các biện pháp khắc khổ và những cải cách kinh tế đã được đưa ra hai năm trước.
Những ngày gần đây, các nước đang thảo luận về cách thức giám sát những nỗ lực của Hy Lạp một cách chặt chẽ hơn nữa, trong đó có việc trao quyền cho Ủy ban châu Âu ngăn chặn các quyết định về chi tiêu, điều đe dọa khả năng trả nợ của nước này./.