Các thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều trong phiên ngày 9/8 sau khi các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát, làm gia tăng lo ngại về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,5% và đóng cửa phiên ở mức 32.204,33 điểm.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5% xuống 3.244,49 điểm.
[Chứng khoán châu Á: Các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ]
Sắc đỏ cũng lan rộng ở thị trường chứng khoán Wellington của New Zealand, Mumbai của Ấn Độ.
Tuy nhiên, thị trường Sydney của Australia, Seoul của Hàn Quốc, Manila của Philippines và Jakarta của Indonesia đã nhích lên.
Tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,32% lên 19.246,03 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư trên các sàn giao dịch châu Á đã ảm đạm sau khi Phố Wall giảm điểm do những lo ngại mới về lĩnh vực ngân hàng và đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể lại tăng lãi suất.
Số liệu ngày 8/9 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái - lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2021.
Điều này cho thấy chi tiêu trong nước đang chậm lại và ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của nước này.
Trước đó, Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nước này giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hơn ba năm trước, trong khi nhập khẩu cũng giảm do nhu cầu trong nước yếu đi.
Nhiều nhà quan sát kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế.
Các quan chức nước này đã đưa ra một số cam kết trong những tuần gần đây về các biện pháp kích thích - đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản - song có rất ít động thái cụ thể ngoại trừ một số đợt cắt giảm lãi suất nhỏ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương).
Nhà phân tích Robin Xing của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận xét Trung Quốc đang trong tình trạng giảm phát và câu hỏi được đặt ra là tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Điều này sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nhà hoạch định chính sách.
Mặc dù vậy, các nhà quan sát cảnh báo rằng Trung Quốc khó có thể đưa ra các biện pháp mạnh như từng làm trong quá khứ do áp lực nợ khổng lồ của đất nước và những lo ngại về đồng nhân dân tệ vốn đã yếu.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho rằng các số liệu kinh tế mới phản ánh thực tế là Trung Quốc đang tiến một bước gần hơn đến bẫy lạm phát thấp kiểu Nhật Bản.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 10/8 giờ địa phương, để tìm kiếm tín hiệu về lộ trình lãi suất của Fed./.